
Công ty VinaCapital vừa thông báo hội nghị các nhà đầu tư gián tiếp lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam diễn ra tại TPHCM đã mang lại những kết quả khả quan với việc nhiều tổ chức cam kết đầu tư một khoản tiền lớn vào Việt Nam. Chúng tôi đã trao đổi với ông Don Lam, Tổng Giám đốc Công ty VinaCapital – đơn vị quản lý Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF).

Ông Don Lam
- PV: Tại hội nghị vừa rồi, các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài đã cam kết đầu tư khoảng 100 triệu USD vào Việt Nam. Xin ông cho biết thêm những thông tin mới chung quanh sự kiện này?
- Ông Don Lam: Đây chưa phải là con số cuối cùng nhưng là một tín hiệu khích lệ cho việc thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) của Việt Nam. Khoảng 25% trong số hơn 100 đại diện tài chính sau khi tham dự hội nghị đã quyết định mở tài khoản để chuẩn bị cho các giao dịch đầu tư tại Việt Nam.
Công ty VinaCapital cũng vừa huy động được thêm 76 triệu USD cho Quỹ VOF thông qua việc phát hành trên thị trường chứng khoán Luân Đôn 47 triệu cổ phiếu phổ thông với giá 1.6 USD/cổ phiếu. Đây là lần huy động vốn thành công thứ 5 của Quỹ VOF chỉ sau hơn hai năm được thành lập. Đợt huy động này đã nâng quy mô của Quỹ VOF lên 171 triệu USD và giá trị vốn hóa thị trường của VOF tăng lên 216 triệu USD.
- Như vậy, phía lãnh đạo VinaCapital Group có ý kiến thế nào về sự kiện này?
- Chủ tịch VinaCapital Group, ông Horst Geicke, rất hài lòng với sự hưởng ứng nhiệt tình mà các nhà đầu tư dành cho VinaCapital. Bằng chứng là trong đợt phát hành vừa qua, các nhà đầu tư đã đăng ký gấp hai lần số lượng cổ phiếu VinaCapital chào bán. Và cũng như những đợt huy động vốn trước đây, VinaCapital đã phải từ chối một số lượng lớn các nhà đầu tư mới. Lòng tin của các nhà đầu tư dành cho VinaCapital đã xác nhận tính đúng đắn trong chính sách đầu tư VOF cũng như những cơ hội đầu tư hết sức tiềm năng do nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam mang lại.
- Có phải đợt huy động vốn vừa qua đã hoàn thành một năm hoạt động hết sức hiệu quả của VOF?
- Đúng là như vậy. Chủ tịch Horst Geicke công bố Quỹ VOF đã đạt được mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) 29% và giá cổ phiếu tăng 27% cho năm hoạt động tính đến thời điểm cuối năm vừa rồi. Nó cũng đánh dấu khởi đầu một giai đoạn mới trong chiến lược đầu tư dài hạn của VinaCapital tại Việt Nam. Về phần mình, tôi khẳng định VinaCapital năm nay sẽ tiếp tục chiến lược đầu tư nhất quán bằng việc tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là sẽ quan tâm tới các tổng công ty nhà nước sắp được cổ phần hóa (CPH).
- VinaCapital nhận định thế nào về tốc độ cổ phần hóa đang được đẩy mạnh cùng với việc Luật Đầu tư chung sắp có hiệu lực thi hành tại Việt Nam?
- Đợt huy động vốn của VinaCapital được tiến hành đúng thời điểm không chỉ tranh thủ cơ hội CPH trong năm 2006, mà còn để tận dụng những thay đổi quan trọng sắp tới trong môi trường đầu tư của Việt Nam, mà một trong những thay đổi quan trọng đó là việc Luật Đầu tư chung sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7 tới đây. Khi đó các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ được đối xử bình đẳng như nhau bằng cùng một luật chơi.
Với những thay đổi thuận lợi sắp tới và khả năng của mình, VinaCapital hy vọng sẽ đầu tư hết số vốn mới huy động trong khoảng 6 đến 9 tháng tới. Năm 2006 sẽ chứng kiến nhiều chuyển động tích cực qua việc CPH các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lớn làm ăn hiệu quả như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam, Công ty Thông tin Di động MobiFone...
- Ông có thể đưa ra nhận xét về môi trường đầu tư tại Việt Nam hiện nay dưới mắt nhà đầu tư nước ngoài?
- Giới lãnh đạo VinaCapital Group nhận xét rằng môi trường đầu tư gián tiếp tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây. Tháng 9-2005, Chính phủ đã nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài trong một công ty niêm yết từ 30% lên 49%. Trước đó vài tháng Chính phủ cũng đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua không giới hạn cổ phiếu của các DNNN thua lỗ và bị vỡ nợ.
Hai thay đổi quan trọng này cho thấy cam kết nghiêm túc tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi của Chính phủ. Tuy nhiên, dòng chảy đầu tư FII vào Việt Nam đã tăng lên sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, song vốn FII vào Việt Nam vẫn rất thấp so với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): chỉ chiếm 1,2% năm 2002; 2,3% năm 2003 và 3,7% năm 2004. Trong khi ở một số nước láng giềng như Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan tỷ lệ đó vào khoảng 30% – 40%.
ANH KHUÊ