Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Hoàng Năng:
“Cử tri có vai trò quyết định trong tiến trình xem xét, giới thiệu người ra ứng cử và bầu chọn người đại biểu đại diện cho mình ở cơ quan quyền lực của Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021”. Đó là khẳng định của Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Hoàng Năng (ảnh) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về quy trình, các bước tiến hành giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Ông cho biết:
Theo quy định của Luật Bầu cử, đến nay TPHCM đã thực hiện xong bước hiệp thương thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND TPHCM bảo đảm đúng yêu cầu. Hiện UBMTTQ Việt Nam TPHCM đã phân bổ theo kết quả hiệp thương về cho các đơn vị để lựa chọn người đại diện cho đơn vị, tổ chức, địa phương của mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND TPHCM. Ở các quận/huyện, phường/xã/thị trấn cũng đang triển khai bước này và theo kế hoạch đều phải thực hiện xong trước ngày 13-3.
* PV: Bước tiếp theo của tiến trình giới thiệu người ra ứng cử là gì, thưa ông?
* Ông NGUYỄN HOÀNG NĂNG: Hiện các cơ quan, đơn vị, tổ chức có người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đang tiến hành hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi làm việc. Trên cơ sở đó, biên bản Hội nghị cử tri nơi công tác, nơi làm việc sẽ được gửi về UBMTTQ cùng cấp. Đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND TP sẽ gửi về UBMTTQ Việt Nam TPHCM tại số 55 Mạc Đĩnh Chi, quận 1. Đơn của những người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử sẽ nộp trực tiếp về Ủy ban Bầu cử TPHCM, số 86B Lê Thánh Tôn, quận 1. Thời hạn nộp hồ sơ và biên bản lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi làm việc của người được giới thiệu ra ứng cử là trước 16 giờ ngày 13-3-2016. Sau đó, sẽ tiến hành Hội nghị hiệp thương lần 2. Hội nghị sẽ có ý kiến về yêu cầu, cơ cấu, năng lực của người được giới thiệu, nhằm đảm bảo phát huy quyền đại diện cho thành phần, giới, cho đơn vị, địa phương tham gia ứng cử. Trên cơ sở kết quả hiệp thương lần thứ hai sẽ tiến hành lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.
* Các bước tiến hành hiệp thương theo Luật Bầu cử lần này có gì mới, thưa ông?
* Điểm mới lần này là trong cơ cấu, thành phần của lần hiệp thương thứ nhất có dành tỷ lệ, cơ cấu cho người tự ứng cử. Đây là cơ hội để mọi người dân phát huy quyền dân chủ, bình đẳng của mọi công dân trong tham gia cơ cấu tổ chức quyền lực ở địa phương, cũng như cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước là Quốc hội. Kết quả này góp phần quan trọng cho Hội nghị hiệp thương lần thứ ba biểu quyết danh sách người được giới thiệu ứng cử. Quá trình này được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ, được thảo luận và xem xét rất rõ ràng. Hội nghị hiệp thương chính là biểu hiện của tinh thần dân chủ tập trung của hệ thống MTTQ các cấp, được pháp luật thừa nhận, để góp phần xây dựng bộ máy chính quyền các cấp ngày một vững mạnh.
Cử tri TPHCM đi bầu đại biểu quốc hội khóa XIII (Ảnh tư liệu)
* Yêu cầu của các bước lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi làm việc và nơi cư trú đối với người được giới thiệu ra ứng cử là gì?
* Quá trình lấy ý kiến cử tri không chỉ ở phạm vi của nội bộ, mà còn lắng nghe ý kiến của những người xung quanh góp ý cho từng người được giới thiệu ra ứng cử. Thứ hai là tỷ lệ cử tri nơi làm việc, công tác tham gia lấy ý kiến làm rất chặt chẽ, phải đảm bảo 2/3 cử tri dự góp ý. Quá trình lựa chọn cũng được tính toán kỹ trong 3 hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi làm việc gồm: hội nghị thứ nhất của lãnh đạo đơn vị thảo luận, đánh giá người được giới thiệu; hội nghị thứ hai của cử tri nơi công tác, nơi làm việc và hội nghị mở rộng có sự tham gia của Ban chấp hành Công đoàn và Đảng ủy cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương của người được giới thiệu công tác đối với nơi có tổ chức Đảng, để xem xét, đánh giá lần cuối trước khi gửi danh sách về MTTQ và Ủy ban Bầu cử.
* Hồ sơ của người được giới thiệu ứng cử gồm những gì, thưa ông?
* Theo luật định, hồ sơ người được giới thiệu ứng cử phải khai rõ quá trình công việc, sinh sống của mình, được đào tạo, huấn luyện ra sao. Ngoài ra còn có bản kê khai tài sản thể hiện tài sản được tích lũy, hình thành trong quá trình công việc của mình. Ở đây đòi hỏi phải thể hiện rõ tính công khai nguồn gốc tạo dựng tài sản, chứ không phải đánh giá nguồn tài sản nhiều hay ít. Vấn đề là nguồn gốc của tài sản đó có minh bạch hay không.
* Nếu người dân phát hiện có sự không trung thực trong việc kê khai tài sản cũng như lịch sử bản thân, lý lịch cá nhân của người được giới thiệu ứng cử thì cơ quan nào sẽ xem xét và xử lý ra sao?
* Ở Ủy ban Bầu cử có tiểu ban nhân sự và tiểu ban kiểm tra. Nơi đây sẽ tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo và thắc mắc của người dân đối với người được giới thiệu ứng cử. Còn đối với tổ chức Đảng sẽ có hệ thống Ủy ban kiểm tra của Đảng thực hiện việc kiểm tra, giám sát nếu như có yêu cầu, thắc mắc của công dân đối với người được giới thiệu ứng cử. Về nhân thân và lịch sử cá nhân của người được giới thiệu ứng cử chỉ là tham khảo, không mang yếu tố quyết định.
* Ông có nhắn gửi gì đối với cử tri?
* Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 đã có nhiều bổ sung, điều chỉnh thể hiện được tinh thần dân chủ của người dân. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là dịp và cơ hội để mỗi công dân tham gia góp phần xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân ngày càng vững mạnh. Với tư cách là người làm công tác mặt trận, tôi kêu gọi các tầng lớp đồng bào thành phố hãy thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh, thiết thực tham gia lựa chọn, giới thiệu người đại diện cho tổ chức, đơn vị, cơ quan, địa phương mình tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp và tham gia đi bầu trong ngày 22-5 một cách đầy đủ, bầu đủ số lượng được quy định và vận động đông đảo mọi người tham gia đi bầu. Tôi tin tưởng cử tri TPHCM sáng suốt lựa chọn người tài, đức tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp.
* Xin cảm ơn ông!
MINH ĐỨC (thực hiện)