* Năm 1974, Ty Lao động tỉnh Thái Bình cử tôi sang Tiệp Khắc học tập và thực tập theo hiệp định giữa hai chính phủ. Từ năm 1978 - 1986, tôi công tác tại Tiệp Khắc, có đóng tiền xây dựng Tổ quốc, gọi là tiền tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Vừa rồi, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) tỉnh Thái Bình đã gửi văn bản tới BHXH TPHCM xác nhận tôi chưa lĩnh chế độ một lần cho thời gian công tác ở Tiệp Khắc, sao bây giờ còn yêu cầu tôi liên hệ Sở LĐTB-XH Thái Bình? Giai đoạn trên, tôi cũng có đầy đủ xác nhận của đại sứ quán, sao bây giờ lại yêu cầu tôi ra Hà Nội để xác nhận với Bộ LĐTB-XH? (BÙI MẠNH HÀ, email jurkoha…@yahoo.com)
* Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc BHXH TPHCM: Nếu sau thời gian học tập, thực tập ở Tiệp Khắc về, ông không tham gia BHXH thì ông có đơn gửi Sở LĐTB-XH TPHCM để được xem xét, giải quyết. Trường hợp ông đang tham gia BHXH và có yêu cầu tính bổ sung thời gian này thì nộp hồ sơ theo Phiếu giao nhận hồ sơ 313 cho cơ quan BHXH nơi đơn vị đóng BHXH (nếu đang tham gia BHXH) hoặc nộp cho BHXH quận, huyện nơi cư trú (nếu đã nghỉ việc) để được xem xét giải quyết. Ông lấy biểu mẫu và phụ lục hướng dẫn tại: http://bhxhtphcm.gov.vn/thu-tuc- ho-so- mot-cua/7/thu- tuc-ho- so-so- bhxh-the- bhyt/.
* Tôi làm việc tại Nhà Thiếu nhi quận 6, ký hợp đồng từ ngày 1-4-1994 đến 1-10-1994 với nhiệm vụ bảo vệ kiêm giao liên. Đến ngày 1-1-1995, tôi được tiếp tục ký hợp đồng 1 năm. Tháng 1-2004, khi Nhà Thiếu nhi quận 6 được chuyển về hồ bơi Vĩnh Hảo (Trung tâm Văn hóa cũ), tôi được ký tiếp hợp đồng cho đến thời điểm tôi nghỉ việc, tháng 4-2016. Mới đây, BHXH quận 6 chốt cho tôi được 11 năm 7 tháng đóng BHXH. Vì sao không tính BHXH từ năm 1994 cho tôi? (PHẠM PHÚ QUÝ, quận 6, TPHCM)
* Căn cứ Nghị định 12/CP của Chính phủ ngày 26-1-1995 về việc ban hành Điều lệ BHXH thì đối tượng áp dụng chế độ BHXH bắt buộc phải là công chức, viên chức nhà nước làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, người làm việc trong các cơ quan Đảng, đoàn thể từ trung ương đến cấp huyện. Thực hiện theo quy định trên, trường hợp của ông được đơn vị ký hợp đồng lao động không phải là công chức nhà nước nên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Do ông không được tham gia BHXH bắt buộc nên chúng tôi không tính thời gian trước đó được.
* Tôi nhập ngũ năm 1971, năm 1976 chuyển ngành sang Tổng Công ty Vật liệu xây dựng Bộ Nội thương. Tháng 6-1992 tôi nghỉ, được hưởng 1,38 triệu đồng. Từ tháng 5-2016, tôi được hưởng diện chất độc da cam, mỗi tháng 1,7 triệu đồng. Nay tôi 65 tuổi, tôi có được hưởng lương hưu không? (LÊ VĂN TIẾN, quận Gò Vấp, TPHCM)
* Luật BHXH năm 2014 quy định người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1-1-1995 nếu chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH. Theo thông tin của ông, thì ông đã được giải quyết trợ cấp số tiền 1,38 triệu đồng, đó có thể là trợ cấp một lần hoặc thôi việc. Do đó, nếu là một trong các loại trợ cấp trên thì thời gian công tác từ tháng 6-1992 trở về trước không được tính là thời gian đã đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí.
* Tôi năm nay 53 tuổi. Tôi đi bộ đội năm 1983, năm 1992 phục viên và nhận trợ cấp hơn 2 triệu đồng. Từ năm 1993 đến nay, tôi làm việc tại Đại học Y Dược TPHCM. Vậy thời gian 9 năm từ 1983-1992 của tôi có được cộng dồn vào thời gian công tác sau này hay không? (PHẠM MINH, điện thoại 0988.221…)
* Theo khoản 2 Điều 23 Nghị định 115/2015 của Chính phủ ngày 11-11-2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định: Trường hợp quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ từ ngày 15-12-1993 đến ngày 31-12-1994 mà chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên, BHXH một lần thì thời gian tham gia quân đội, công an nhân dân được tính hưởng BHXH.
Theo ông trình bày, khi xuất ngũ ông đã được giải quyết trợ cấp phục viên nên căn cứ quy định trên thì thời gian này không được xem là thời gian có đóng BHXH để cộng dồn với thời gian đóng BHXH từ năm 1993 trở đi.