Ông Huỳnh Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai:

Tình cảm đối với búp bê là một nhu cầu “kỳ diệu”

Tình cảm đối với búp bê là một nhu cầu “kỳ diệu”

Chương trình Nhà búp bê do Báo SGGP tổ chức giúp trẻ em nghèo vui chơi trong ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6-2006 được triển khai rầm rộ tại TPHCM, Đồng Nai và Cần Thơ. Là người đồng hành cùng chương trình, ông Huỳnh Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết:

Tình cảm đối với búp bê là một nhu cầu “kỳ diệu” ảnh 1

Ngày hội thu búp bê của học sinh quận 1.

Khi nghe đại diện Báo Sài Gòn Giải phóng (SGGP) đặt vấn đề phối hợp thực hiện chương trình Nhà búp bê, tôi đồng tình ngay vì ý nghĩa thiết thực của chương trình.

Lâu nay, việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em thường thể hiện qua: Thuốc men, quần áo, sách vở, thực phẩm … tác động vào đời sống vật chất thông thường. Trẻ em còn cả một thế giới đặc thù của tuổi thơ mà người lớn ít hiểu, ít lo đến; trong đó, tình cảm đối với búp bê là một nhu cầu “kỳ diệu”.

Nhiều lúc, trẻ em cần búp bê hơn là cơm áo. Nhiều trẻ em (hoặc người đã qua tuổi trẻ em) đang thừa búp bê, không biết để vào đâu. Lại có nhiều trẻ em nghèo đang ấp ủ ước mơ về búp bê nhưng không thành. Cho nên, cần có chương trình chia sẻ về nhu cầu này.

- PV: Được biết tỉnh Đồng Nai đang triển khai một dự án xây dựng khu giải trí có qui mô lớn nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho thiếu nhi trong tỉnh, và đồng chí cũng từng đặt vấn đề sẽ đưa một nội dung của Chương trình nhà búp bê vào khu vui chơi giải trí này?

- Ông Huỳnh Văn Tới:
Tỉnh Đồng Nai đang chuẩn bị dự án xây dựng công trình “Thế giới tuổi thơ” tại địa bàn huyện Nhơn Trạch với diện tích hơn 100 ha nhằm tạo sân chơi cho thanh thiếu niên sinh hoạt, giao lưu, học tập; trong đó có “Ngôi nhà búp bê” là nơi để trưng bày, chia sẻ nhu cầu của trẻ em đối với búp bê. Chúng tôi hy vọng, qua các đợt vận động, bộ sưu tập búp bê sẽ được vun đắp dần, phong phú, đa dạng, hội nhập được với thế giới búp bê của trẻ em trong và ngoài nước.

- Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Chương trình Nhà búp bê tại Đồng Nai đã tiến triển tới đâu rồi thưa ông?

- Tỉnh Đồng Nai đã thành lập Ban Tổ chức, thông qua kế hoạch, triển khai một bước về công tác chuẩn bị để vận động quyên góp búp bê với mục tiêu 10.000 búp bê cho trẻ em nghèo; UB DSGĐTE tỉnh chủ trì, huy động sự tham gia của toàn xã hội, trước hết là trong các đoàn thể xã hội và phong trào thanh niên.

- Xin ông cho biết suy nghĩ của cá nhân về Chương trình Nhà búp bê do Báo SGGP tổ chức?

- Cái gì thuộc nhu cầu của trẻ em thì cái đó thuộc trách nhiệm của người lớn. Búp bê là nhu cầu thực tế của trẻ em, người lớn cần có hình thức chăm lo cho nhu cầu ấy (cùng với việc chăm lo cho nhu cầu ăn mặc, học hành). Chương trình Nhà búp bê mới mẻ, thiết thực, khởi đầu có thể khó khăn nhưng sẽ rộng mở, phát triển không ngừng.

Và đây cũng là một trong nhiều nẻo đường hội nhập của trẻ em. Bởi vì, trẻ em trên thế giới không phân biệt màu da, quốc tịch; ngày xưa, hôm nay và ngày mai đều có nhu cầu và cách thể hiện cảm xúc của mình đối với búp bê. Búp bê có sự sống của nó. Chương trình Nhà búp bê, tại sao không?

- Xin cảm ơn ông!

CHIẾN DŨNG 

Tin cùng chuyên mục