Tính hợp lý của văn bản pháp quy

Khi dự học các lớp về hành chính, chúng tôi luôn được các giảng viên nhắc đi nhắc lại 2 yêu cầu của các quyết định hành chính: hợp pháp và hợp lý. Tính hợp pháp có lẽ dễ thấy, tức không trái với các quy định trước đó của cơ quan cấp trên và cơ quan ngang cấp còn hiệu lực. Dù vậy, tính hợp pháp của nhiều văn bản chưa đảm bảo, vẫn bị các cơ quan chức năng “tuýt còi”. Thế nhưng, với tính hợp lý thì muôn hình vạn trạng.

Hiểu một cách thông thường, tính hợp lý của một quy định là quy định đó có thể thực hiện được trên thực tế. Tức là, quy định ban hành phải điều chỉnh được các quan hệ có thực; ở đây gồm 2 ý: trước hết là quan hệ có thực, sau đó là có thể điều chỉnh được quan hệ đó. Một quy định bất hợp lý, phi thực tế là quy định đề cập một quan hệ (có thể) không tồn tại và (có thể) không điều chỉnh được quan hệ có thật vì nhiều lý do khác nhau.

Chẳng hạn, trước đây có quy định nam nữ ngủ chung trong khách sạn phải trình hôn thú và nhân viên khách sạn có quyền kiểm tra. Việc nam nữ không có hôn thú ngủ cùng phòng khách sạn là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng làm sao cấm đây khi người ta có thể là anh em, chị em, cha con, cô (dì) cháu…, thậm chí là tình nhân hay vợ chồng thực sự nhưng vì lý do gì đó không có hôn thú (không thuộc diện cần phải đăng ký kết hôn, chưa kịp đăng ký, đã mất giấy đăng ký…)?

Rõ ràng, quy định điều không hoặc rất khó xảy ra hay quy định điều không thể thực hiện được là không hợp lý. Các quy định phải hướng đến điều chỉnh cho số đông; các ngoại lệ được nhắc đến cũng phải trong khuôn khổ quy định cho số đông và có thể có nhiều trường hợp xảy ra, chứ không phải thêm một quy định chỉ dành cho số cá biệt mà số cá biệt đó hoàn toàn ít ỏi, hiếm hoi. Và, trong bối cảnh các quy định (luật) phải sửa đổi liên tục vì không phù hợp thực tế, thì một số điều khoản “dự kiến”, để “dùng trong tương lai” thì e rằng “lo xa” quá một cách không cần thiết!

Để hạn chế các quy định phi thực tế, không hợp lý, điều quan trọng nhất dĩ nhiên là quy định đó phải nhằm điều chỉnh các quan hệ đang tồn tại và các quan hệ đó nếu không được điều chỉnh thì có thể gây ra những mối nguy hại cho nhiều người, cho xã hội hoặc gây thiệt thòi cho một số đối tượng nào đó. Còn nếu không có quan hệ thì không cần phải quy định, vì quy định đó chẳng điều chỉnh gì cả; nếu có quan hệ nhưng không gây ra mối nguy hoặc không gây bất lợi gì cho ai thì cũng không cần quy định. Chẳng hạn, có người đề nghị có luật về thơ, rõ ràng là hoàn toàn không cần thiết, cũng như chẳng việc gì phải điều chỉnh các quan hệ bạn bè, tình nhân… Vì vậy, việc kiểm soát tiền bạc của vợ hoặc chồng mà vợ chồng đó không khiếu nại gì, cũng không gây ảnh hưởng (đáng kể) đến ai thì không cần thiết phải điều chỉnh.

Đôi lúc có người phê phán rằng quy định (luật) của nước ta nhanh lạc hậu quá. Điều đó đúng, vì cơ quan soạn thảo quy định đã thiếu nghiên cứu, thiếu dự báo. Nhưng nếu dự báo đến điều mà trên thực tế chưa ai thấy cần thiết có quy định thì dự báo đó e rằng chỉ là đoán mò! Vì vậy, người làm luật phải “thở” bằng hơi thở của xã hội với rất nhiều cung bậc khác nhau, chứ không thể “thở” bằng không khí của “tháp ngà”, của “phòng lạnh”, của “bàn giấy”.

TRÚC GIANG

Tin cùng chuyên mục