Tinh tế bánh mì Việt

GIA NGUYỄN
Tinh tế bánh mì Việt

Trong cuộc sống, nhiều thứ trùng hợp đến lạ kỳ. Đang ngồi thưởng thức ổ bánh mì kẹp thịt tại một nhà hàng nổi tiếng của người Việt tại phố Old Street, London (Anh) và lướt web trên điện thoại, vô tình thấy một bài viết đăng trên tờ Huffington Post cũng nói về bánh mì Việt. Bài viết cung cấp nhiều điều thú vị mà chắc rằng nhiều người có thể không để ý. Không ngờ một món ăn quá đỗi quen thuộc và bình dị nhưng lại có cả một lịch sử hình thành mang đậm nét văn hóa của người Việt, để rồi giờ đây đang dần trở thành một món ăn nhanh được cả thế giới biết đến.

Bánh mì thịt của một nhà hàng Việt nổi tiếng ở London, Anh quốc.

Liệu đã có ai từng thắc mắc về nguồn gốc của bánh mì? Bài viết trên Huffington Post cho rằng bánh mì của Việt Nam mang hơi hướm baguette của Pháp với bên trong là giăm bông, pho mát và một chút dưa leo. Người Pháp đến Việt Nam vào thế kỷ thứ 17, mang theo ngôn ngữ và đồ ăn, trong đó có baguette. Loại bánh này ngày càng trở nên phổ biến vào đầu thế kỷ 20. Đến những năm 1950, người Việt Nam mới bắt đầu làm quen với loại đồ ăn này và gọi baguette là bánh mì (đơn giản là bánh làm bằng bột mì). Dần dần, từ baguette nguyên bản ban đầu, bánh mì của người Việt có đã biến đổi và có nhiều loại khác nhau. Phổ biến nhất có lẽ là bánh mì nhân thịt với ổ bánh mì có vỏ mỏng giòn bên trong có giăm bông, giò thủ, chả lụa, pate cùng với đồ chua, hành, ngò, ớt, bơ, nước tương và mayonnaise. Bài viết mô tả: vị ngọt, cay, mặn, chua và mùi thơm hòa quyện khi cắn một miếng bánh mì là khoảnh khắc thăng hoa của mọi giác quan.

Rồi thứ hương vị đặc trưng tuyệt vời đó đã theo chân những người Việt Nam ra nước ngoài định cư, làm việc. Huffington Post đã liệt kê rất nhiều cửa hàng bánh mì Việt nổi tiếng trên thế giới hiện nay như: Bánh Mì Saigon ở New York, Bun Mee ở San Francisco (Mỹ); bánh mì Kêu!, Bánhmì11, và Banh Mi Bay ở London (Anh) hay ở Thượng Hải (Trung Quốc) là Mr.V; Singapore là Bánh Mì 888; ở Tokyo thì có Bánh Mì Sandwich...

Lịch sử hình thành và phát triển là vậy, còn nét văn hóa ẩn sau ổ bánh mì thịt quá đỗi quen thuộc ấy là gì? Andrea Nguyen là một cây viết nổi tiếng với blog mang tên Viet World Kitchen, người chuyên khám phá những món ăn truyền thống của Việt Nam và các nước châu Á; người cho xuất bản cuốn sách: The Bánh Mì Handbook: Recipes for Crazy-Delicious Vietnamese Sandwiches (tạm dịch Cẩm nang bánh mì: Bí quyết làm món bánh mì Việt Nam tuyệt hảo) được lọt vào danh sách những cuốn sách dạy nấu ăn hay nhất năm 2014 của Đài Phát thanh quốc gia Mỹ. Cô gái này kể rằng những thứ làm nên ổ bánh mì là những thực phẩm được chế biến cùng với gia vị thuần Việt. Thực khách dù chỉ thưởng thức một lần thôi vẫn sẽ nhớ ngay hương vị đặc trưng của bánh mì Việt, để sau này khi có dịp được ăn lại sẽ dễ dàng nhận ra: đó là đồ ăn của người Việt Nam. Sự kết hợp, hòa quyện giữa các loại thực phẩm và gia vị trong bánh mì còn cho thấy sự tinh tế, khéo léo của người Việt. Những điều này tương tự với phở, món ăn của Việt Nam được cả thế giới biết đến.

Tôi rất thường xuyên ghé nhà hàng tại phố Old Street này và mỗi lần đến thường phải gọi 2 phần bánh mì mới đủ để thỏa mãn vị giác. Nhiều lúc tự hỏi phải chăng do to con nên mức “tiêu thụ” đồ ăn cũng tỷ lệ thuận với cơ thể? Không phải, bài viết trên Huffington Post đã giúp tôi trả lời thắc mắc trên: do bánh mì Việt quá ngon mà thôi!

GIA NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục