Hôm nay kỷ niệm 70 năm ngày mất nhà cách mạng Tô Hiệu. Ông đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà tù tỉnh Sơn La, sau một thời gian bị giam cầm và bệnh lao nặng.
Với nhiều lớp thế hệ trẻ, tên tuổi của ông được nhớ đến trong sách vở qua danh xưng đường phố và trường học ở hầu khắp mọi miền đất nước như một nhân vật lịch sử gắn liền với giai đoạn cách mạng giành chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng với những người đồng chí của ông, vài ba chục năm trở lại đây thì những hồi ức của họ vẫn là những kỷ niệm tươi rói. Những người bạn tù năm xưa ở Côn Đảo và Sơn La với ông, sau này hầu hết đều đảm trách những chức vụ cao trong Đảng và Nhà nước.
Đến ngày kỵ giỗ ông, các đồng chí, bà con lại tề tựu thắp nén hương tưởng nhớ người chiến sĩ hy sinh vì nước lúc mới 32 tuổi. Dưới bút danh Quyết Chiến, bài viết “Gương hy sinh tinh thần Tô Hiệu” của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Trường Chinh đăng trên báo Cờ Giải phóng ngày 28-1-1945 là bài báo đầu tiên có những dòng: “Nói đến Tô Hiệu, những đồng chí nào đã từng tranh đấu với anh bên ngoài hay đã sống qua với anh trong ngục tối hẳn không thể quên anh được. Với tính điềm đạm, nhẫn nại và đầy đức tính hy sinh, anh xứng đáng là một chiến sĩ cộng sản khuôn mẫu. Đời anh chỉ lấy sự hoạt động chính trị làm vui…”.
Quả thật, sau khi bị đuổi học vì tham gia phong trào để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh, năm 1926 và sau đó 3 năm, cuối năm 1929 vào Sài Gòn hoạt động cùng người anh ruột là Tô Chấn, Tô Hiệu đã dấn thân vào cuộc đời hoạt động cách mạng. Bị bắt, án tù 4 năm đày đi Côn Đảo. Ra tù, bị quản thúc ở quê, nhưng ông vẫn tìm cách gầy dựng phong trào, rồi thành lập xứ ủy Bắc Kỳ, chuyển về Hải Phòng hoạt động, làm Bí thư Thành ủy, năm 1939 sa vào tay giặc, bị đày lên Sơn La.
Thời gian hoạt động của Tô Hiệu không nhiều, nhưng ông xuất hiện đúng vào những thời điểm nóng của cách mạng: cuộc khủng bố trắng sau Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 1930 - 1931; phong trào mặt trận bình dân 1936 - 1939 và giai đoạn 1939 - 1945 khi Nhật - Pháp ở Đông Dương và sự chuẩn bị cướp chính quyền của Đảng.
Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nho học thanh bần. Người anh kế Tô Chấn (sinh năm 1904) bị tù Côn Đảo, vượt biển hy sinh cùng chuyến với Ngô Gia Tự lúc 32 tuổi. Mẹ ông, cụ bà Ngô Thị Lý - con gái của danh tướng Ngô Quang Huy được vua Hàm Nghi phong là Tán lý quân vụ. Ông chỉ huy đánh Pháp cùng với Nguyễn Thiện Thuật và tuẫn tiết ngày 1-4-1889. Tại quận 2, TPHCM có con đường đẹp mang tên vị danh tướng ấy.
Ông Tô Tu - người anh cả của Tô Hiệu có lần nói: “Cái máu làm cách mạng của gia đình là từ bên ngoại truyền sang”. Những câu chuyện của người mẹ kể về ông ngoại chắc đã nhen nhóm lòng yêu nước, chí căm thù giặc ở các người con. Vinh hạnh nữa họ là hậu duệ của dòng tộc họ Tô mà nhiều trăm năm trước đều có người hiển đạt, danh vọng.
Tập sách Tinh thần Tô Hiệu (Nhà xuất bản Thời Đại, 2014 - ảnh) ra mắt tháng 3 quả là đúng dịp. Đặc biệt có bài thơ Hoài cảm của lão thành cách mạng Nguyễn Thị Tỳ (1912-2002) người bạn, đồng chí thủy chung của Tô Hiệu khi nhận được tấm ảnh Tô Hiệu do Tô Quang Đẩu gửi tặng năm 1957: Cùng nhau xa cách đã bao đông/ Nhìn ảnh càng thêm chạnh nỗi lòng/ Cay đắng bất bình khi nhớ tiếc/ Ngậm ngùi ly biệt lúc sầu tuôn/ Tím gan tưởng nhớ lời giao ước/ Nát ruột đành cam giọt lệ hồng/ Nhà tù canh tàn ngơ ngẩn bóng/ Xa xôi tình nghĩa chẳng vân mòng.
TRẦN ĐÌNH VIỆT