Tình trạng bỏ học của học sinh ĐBSCL: Cần giải quyết từ gốc

Tình trạng bỏ học của học sinh ĐBSCL: Cần giải quyết từ gốc

“Một trong những vấn đề tồn tại lớn nhất của giáo dục ĐBSCL là tình trạng học sinh bỏ học và để khắc phục tồn tại ấy cần phải có sự chung tay của cả xã hội”, đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2010 - 2011 các sở GD-ĐT ĐBSCL vừa diễn ra tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Nghèo khó và bỏ học

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học sinh ĐBSCL bỏ học nhiều. Thứ nhất là do các em có học lực yếu không theo kịp chương trình dẫn đến chán nản, bỏ học; thứ hai là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình.
 
Thực tế, những nguyên nhân này đã được ngành giáo dục ĐBSCL nhận biết từ lâu, song việc khắc phục lại gặp rất nhiều gian nan. Năm học 2010 - 2011, số học sinh bỏ học sau hè và đầu năm ở ĐBSCL vẫn rất cao. Trong đó, tiểu học là 0,34%; THCS 2,28%; THPT 3,53%. Những tỉnh có tỷ lệ học sinh THCS, THPT bỏ học nhiều nhất là Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Long An.

Học sinh nghèo tỉnh Vĩnh Long được ăn bữa trưa miễn phí do thầy cô đóng góp nấu.

Học sinh nghèo tỉnh Vĩnh Long được ăn bữa trưa miễn phí do thầy cô đóng góp nấu.

Qua thống kê số học sinh bỏ học của các địa phương cho thấy, tỷ lệ học sinh bỏ học trong và sau hè ở bậc THPT tại Sóc Trăng đáng báo động nhất với 9,35%. Tại Kiên Giang, tỷ lệ học sinh THPT bỏ học trong hè gần 5,6%; ở Long An, Đồng Tháp là trên 3%…

Qua tìm hiểu của các trường, nguyên nhân cũng không nằm ngoài những lý do như học lực yếu, nhà nghèo, có người quen đi làm xa về rủ rê đi nơi khác làm thuê mướn hoặc lên TPHCM làm công nhân.
 
Thầy Triệu Minh Đức, giáo viên Trường THPT Hoàng Diệu, TP Sóc Trăng chia sẻ: “Để đưa các em trở lại trường, ban giám hiệu trường đã trực tiếp xuống tận nhà để động viên. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khi các thầy cô đến nhà thì các em đã trở thành công nhân ở Cần Thơ, Bình Dương, TPHCM. Gia đình nói đó là lựa chọn của các em còn thầy cô chỉ còn biết thất vọng trở về”.

Cần sự chung tay

Theo ông Phạm Vũ Luận, muốn giảm tỷ lệ học sinh bỏ học phải có sự chung tay của cả xã hội. Phải thay đổi nhận thức về xã hội hóa giáo dục và không nên khoán trắng cho người thầy. Để làm được điều đó, Sở GD-ĐT các địa phương cần liên kết chặt chẽ với chính quyền, các ban ngành khác để cùng chăm lo, tạo điều kiện tốt cho con em đến trường.
 
Thời gian qua, đã có nhiều cách làm mới hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, trong đó, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp là những điểm sáng. Ở An Giang, Sở GD-ĐT tỉnh đang triển khai phong trào “một kèm một” trong trường học. Ngoài chương trình phụ đạo, các trường học còn khuyến khích, phân công một học sinh giỏi kèm một học sinh kém để các em cùng tiến bộ.

Với cách làm đơn giản này, tỷ lệ học sinh yếu, kém trong tỉnh giảm đáng kể. Nhờ đó số học sinh bỏ học vì không theo kịp chương trình cũng giảm rõ rệt.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cho biết: “Chúng tôi cho rằng việc khích lệ học sinh giỏi kèm cặp học sinh yếu rất có hiệu quả bởi khi là bạn bè, các em sẽ không ngại ngùng việc trao đổi bài vở”.
 
Tại tỉnh Hậu Giang, Sở GD-ĐT tỉnh đang phát động phong trào CB-CNV ngành giáo dục đóng góp hàng tháng hỗ trợ học sinh. Với số tiền góp 10.000 - 100.000 đồng/người, mỗi tháng ngành giáo dục Hậu Giang đã có gần 200 triệu đồng hỗ trợ học sinh của mình.

Nói về hoạt động này, ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang cho rằng: “Học sinh nghèo đi học thì khó chứ bỏ học lại dễ. Thế nên, giúp các em phải giúp nhanh, giúp sớm, đừng để khi các em nghỉ học, chúng ta mới tới nhà để hỗ trợ nhất là khi các em đi làm xa lại càng khó hơn”. Nhờ số tiền đóng góp hàng tháng của thầy cô, rất nhiều học sinh có nguy cơ bỏ học ở tỉnh Hậu Giang đã không phải rời xa ghế nhà trường.

Ngoài ra, từ đầu năm học 2010 - 2011, Tỉnh ủy Hậu Giang đã chỉ đạo tất cả các sở, ban ngành, đoàn thể phải nhận đỡ đầu một trường học. Tỉnh cũng vận động, tìm các nguồn hỗ trợ học sinh nghèo của trường, không để các em nghỉ học vì nghèo. Hiện đã có 300/400 trường học tại tỉnh Hậu Giang đã được nhận đỡ đầu. Từ đầu năm học 2010 - 2011 đến nay, các đơn vị đỡ đầu đã vận động được trên 5 tỷ đồng giúp học sinh nghèo yên tâm đến trường.
 
Tại tỉnh Đồng Tháp, một số trường học liên lạc rất mật thiết với gia đình học sinh bằng cách thông báo đầy đủ với phụ huynh mọi hoạt động học tập và ngoại khóa của học sinh để cùng nhau giám sát các em, hạn chế tình trạng các em trốn học, trốn gia đình đi chơi…

Còn tại Sóc Trăng, ngành giáo dục đang tiến hành vận động xây dựng nhà tình thương cho gia đình những học sinh nghèo. Ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long cũng đang khuyến khích nhân rộng mô hình thầy cô đóng góp, vận động nấu bữa ăn trưa miễn phí cho học sinh nghèo xa trường.

Để hạn chế tình trạng học sinh ở ĐBSCL bỏ học như hiện nay cần sự chung tay của toàn xã hội. Những phong trào, mô hình trên chính là những điểm sáng cần được nhân rộng.

ĐÌNH TUYỂN

Tin cùng chuyên mục