Tình yêu biển đảo từ một trường tiểu học

Tình yêu biển đảo từ một trường tiểu học

Tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1, TPHCM), một buổi sáng chào cờ đầu tuần giữa tháng 12-2013, đã trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết, bởi hôm nay nhà trường đã phát đi thông điệp kêu gọi các em học sinh cùng viết “Thư xuân gửi biển đảo” và hưởng ứng “Chung tay vì bạn nhỏ biển đảo đến trường”– nằm trong chương trình hoạt động “Chăm lo hậu phương - Vững lòng biển đảo” do Báo Sài Gòn Giải Phóng và Bộ Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam phối hợp tổ chức.

Là một trong những hoạt động truyền thống về biển đảo đã hình thành từ nhiều năm nay, với chủ đề “Tổ quốc em nhiều đảo”, các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân đã chắt chiu được một bộ sưu tập đáng nể với 83 cuốn tư liệu, 18 cuốn tranh vẽ và hơn 150 tranh vẽ khổ A3 về biển đảo Việt Nam từng được đem triển lãm tại Hội trường Thống Nhất hưởng ứng chương trình triển lãm ảnh “Biển đảo Việt Nam”.

Tiết mục văn nghệ của học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân trong chương trình “Tổ quốc em nhiều đảo”.

Tiết mục văn nghệ của học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân trong chương trình “Tổ quốc em nhiều đảo”.

        Tự hào biển đảo Tổ quốc

Có được kết quả đó, các em học sinh chia nhau thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 5 đến 7 em trong một lớp, cùng thực hiện và cho ra một sản phẩm chung, đó là sưu tập những bài viết trên báo, trên internet về biển đảo. Qua đó, các em hình dung được phần nào cuộc sống của quân và dân trên đảo cũng như cảnh vật nơi đây.

Cách học trên đã hình thành trong các em kỹ năng học theo nhóm và ghi nhớ tốt bài học, rằng “quê hương Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ với bờ biển dài hơn 3.000km, trong đó có 2 đảo xa bờ nhất là Hoàng Sa và Trường Sa” khi có ai đó hỏi về biển đảo của Tổ quốc.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Trần Diễm Linh xúc động nhận xét: “Điều mà tôi tâm đắc nhất trong các bức vẽ, chính là sự bình yên và tươi đẹp mà các em mô tả, đa phần thể hiện cuộc sống của quân, dân nơi hải đảo, hầu hết không có vũ khí trong tranh vẽ của các em, điều đó khiến tôi bất ngờ và xúc động!”.

Đồng chí Thiếu tá Nguyễn Văn Quý thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân (chồng cô giáo Nguyễn Thị Vinh - chủ nhiệm lớp 3/3) đã gửi tặng nhà trường 2 cây bàng vuông khi nghe tin về các hoạt động biển đảo sôi nổi của thầy trò Trường Lê Ngọc Hân.

Được khuyến khích từ cô hiệu trưởng, cô giáo Nguyễn Thị Vinh kể lại thật xúc động: “Chương trình “Tổ quốc em nhiều đảo” đã khiến chồng em và các chiến sĩ rất cảm kích nên đã gửi 2 cây bàng vuông về trường làm kỷ niệm, đó là cách thể hiện những tình cảm sâu sắc nhất của tất cả chiến sĩ miền hải đảo xa xôi gửi về đất liền”, chưa dứt câu thì cô đã ngân ngấn nước mắt.

Có lẽ, nỗi nhớ thương và xúc cảm về chương trình đã khiến cô xúc động, cô giáo Vinh tâm sự: “Mỗi năm, anh ấy được về phép 1 kỳ, thỉnh thoảng đi công tác thì vợ chồng được sum họp với thời gian rất ngắn ngủi. Khi nhà trường phát động chương trình, em rất vui vì được tham gia vào một hoạt động có ý nghĩa, lòng cảm thấy tự hào có chồng là lính hải quân, cùng góp phần vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc và biển đảo quê hương”, rồi cô giáo Vinh vui vẻ khoe “cây bàng bây giờ sắp ra hoa rồi dù mới được đem về trồng từ tháng 3”.

        Hội diễn Sử ca

Năm 2008, ý tưởng phổ biến kiến thức lịch sử qua hình thức học mà chơi, chơi mà học mới trở thành hiện thực bằng cuộc vận động tổ chức Hội diễn Sử ca đầu tiên của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, được dàn dựng công phu từ kịch bản, trang phục, hình ảnh sân khấu… tất cả từ tâm huyết của thầy, trò và phụ huynh trường.

Ý tưởng đó bắt nguồn từ sau những lần “giật mình” của nhà trường và xã hội về kiến thức lịch sử của học sinh cùng những câu chuyện “cười ra nước mắt” về kết quả bài thi của thí sinh sau mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng vài năm trở lại đây - cô Nguyễn Trần Diễm Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân nhớ lại.

Đại tá Nguyễn Hải Triều, Thường trực Cục Chính trị Quân chủng Hải quân tại phía Nam, trong buổi nói chuyện chuyên đề về biển đảo tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân.

Đại tá Nguyễn Hải Triều, Thường trực Cục Chính trị Quân chủng Hải quân tại phía Nam, trong buổi nói chuyện chuyên đề về biển đảo tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân.

Từ sân chơi mang tính “cây nhà lá vườn” và việc tổ chức theo kiểu “ai có gì đóng góp nấy” của nhà trường đã nhận được sự ủng hộ của khá nhiều phụ huynh học sinh và nhiều cơ quan, đơn vị khác. Sau 2 năm tổ chức, đến nay, Hội diễn Sử ca đã mở rộng quy mô lên đến 25 tiết mục được dàn dựng khá kỹ lưỡng, có sức hấp dẫn nhất định với học sinh.

Điều đáng trân trọng, chính là kinh phí đầu tư không có cơ hội hoàn trả đều được đóng góp từ “ê kíp” không chuyên của trường (gồm cả thầy, trò và phụ huynh). Số tiền bán vé của các đợt tổ chức biểu diễn được dùng góp đá xây dựng Trường Sa và xây trường học cho hải đảo, với tổng số tiền đã lên đến gần 450 triệu đồng.

Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (cùng hội phụ huynh) là một trong ít trường ở TPHCM có truyền thống làm công tác cộng đồng xã hội - từ thiện thường xuyên hàng tháng và trải rộng khắp các tỉnh, thành cả nước, như cứu trợ đồng bào bị lũ ở Quảng Ngãi và Quảng Nam; tặng 500 suất quà cho học sinh và giáo viên Trường Tiểu học An Thạnh (xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận); quyên góp hàng ngàn bộ sách giáo khoa cũ, đồ dùng học tập, quần áo để tặng cho thiếu nhi xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM), Bệnh viện Ung bướu (TPHCM), xã Long Hòa (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)…

Từ những nỗ lực trong công tác giảng dạy, học tập; sự đồng thuận của cả nhà trường và phụ huynh trong mọi hoạt động, ngày 28-12-2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 2529/CTN tặng Huân chương Lao động hạng nhì cho Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân.

DƯƠNG NGỌC BÍCH NGA

Tin cùng chuyên mục