Nhân 150 năm sinh đại thi hào Ấn Độ R.Tagore (1861-2011)

Tình yêu Tagore - Tình yêu Ấn Độ

Chúng tôi đi trên đất nước Ấn Độ, trong lòng dâng lên bao cảm khái. Đây là đất nước cổ xưa - hiện đại; đất nước của tin học phát triển, bây giờ tốc độ phát triển 8%/năm và của Kinh Phật, của kiến trúc cổ xưa… Và Tagore (ảnh) như là một đại diện của tâm hồn Ấn Độ, giàu triết luận nhưng trữ tình, lãng mạn, một tâm hồn lớn luôn luôn thường trực trong lòng chúng tôi.

Chúng tôi đi trên đất nước Ấn Độ, trong lòng dâng lên bao cảm khái. Đây là đất nước cổ xưa - hiện đại; đất nước của tin học phát triển, bây giờ tốc độ phát triển 8%/năm và của Kinh Phật, của kiến trúc cổ xưa… Và Tagore (ảnh) như là một đại diện của tâm hồn Ấn Độ, giàu triết luận nhưng trữ tình, lãng mạn, một tâm hồn lớn luôn luôn thường trực trong lòng chúng tôi.

“Bạn ơi! Đến đây đừng nao lòng
Hãy bước đi trên mặt đất cằn khô…”

 Tagore đang gọi chúng ta đấy! Và tình yêu của ông đối với trái đất, đối với cuộc đời là vô tận.

Đến khi tôi đi khỏi cuộc đời này,/Tôi ước đây là lời tôi từ biệt:/ - Rằng không gì hơn được, cảnh tôi đã thấy nơi đây/Tôi đã nếm - mật ngọt ngào thầm kín/của đóa sen nở bày – trên biển rào ánh sáng/Và thế là tôi đã được rạng soi./Tôi ước đây là lời từ biệt của tôi/ (Xuân Diệu dịch). “Trước lúc ra đi, ước gì ta còn nán lại trên một điệp khúc cuối cùng để hoàn thành giai điệu, ước gì đèn thắp cho ta thấy được mặt em, và những bông hoa kết vòng cho ta được đặt lên trán em” (Hoàng Trung Thông dịch).

Nặng tình yêu với con người, với cuộc đời, Tagore không có cái mà phương Tây gọi là “cá nhân luận” - cá nhân con người, cái tôi là cái cao nhất. Tagore trách nhiệm đến cùng đối với con người bằng một tình yêu tha thiết, cao rộng, vô tư. Thơ xưa nay, nhất là thơ lãng mạn Pháp, đề cập đến cái chết như một chủ đề lớn. Chủ nghĩa hiện sinh coi con người là một hạt cát nhỏ thảm hại đang đứng trước hư vô, và thật là buồn, bi quan. Tagore không thế. Tagore quyện chặt số phận mình với số phận mọi người.

“Nhà thơ ơi, chiều rồi, tóc anh đã hoa râm/Những lúc một mình - anh có nghe tiếng của cõi bên kia nhắn gởi?/ - “Tối rồi - nhà thơ nói - tôi lắng nghe: có thể có người từ trong lòng kêu gọi./Mặc dù giờ đã khuya rồi/Tôi thức, canh: hai người tình đang kiếm tìm nhau./ Trái tim họ có đưa đường chắc chắn/Hai trái tim lưu lạc của đôi tình nhân trẻ biết có gặp nhau?/ Mắt họ cháy đang cầu xin một hòa điệu ân tình phá tan im lặng…”/(Rút trong tập thơ Người làm vườn tình ái. Xuân Diệu dịch)

Đúng, Tagore là “người làm vườn tình ái”, người chăm sóc cho tình yêu, tặng vật đẹp nhất mà thượng đế ban tặng con người. Tình yêu trong thơ Tagore trong như ngọc, chan hòa ánh sáng và tha thiết, thẳm sâu. “Trái tim anh là chim sa mạc/Đã thấy trời trong mắt của em”. Tôi đọc câu thơ này của Tagore lúc hai mươi tuổi, đang là sinh viên và bây giờ, tóc đã bạc, tôi vẫn nhớ câu thơ ấy. Chưa có ai trên thế gian này viết được một câu thơ tình hay như thế, bát ngát thẳm sâu và đẹp như thế, kể cả những nhà thơ lớn của nhân loại mà ta biết.

“Em mặc áo mới hôm nay, và cả người em muốn cất lên tiếng hát/Em tặng trọn đời em vẫn còn chưa đủ, mỗi sáng mai, em lại muốn sáng tạo ra những quà tặng mới, hiền từ, sâu thẳm của tình em./ …/Hôm nay, áo em cũng giống như sắc trời muốn động mưa/Áo em sẽ khoác cho người em màu sắc của vô biên và ánh phản chiếu của những ngọn đồi bên kia biển lớn/Nếp áo mang niềm vui của những đóa mây mùa hạ dạo bay qua khắp khung trời. (Nguyễn Viết Lãm dịch)

Tagore mất vợ lúc ông 35 tuổi và ông ở vậy đến trọn đời.

Tình yêu trong thơ Tagore, tạo vật trong thơ Tagore, cõi người trong thơ Tagore, và cái chết trong thơ Tagore… Tất cả đều mang trong nó một triết lý, sâu thẳm: Không gì quý hơn, đẹp hơn là cuộc sống của con người. Tagore là nhà nhân văn chủ nghĩa lớn mà cả nhân loại đều cúi chào, khâm phục (ông được trao giải Nobel văn chương năm 1913). Tagore là nhà văn chống phát xít, chống áp bức bất công, Tagore là nhà hiền triết Ấn Độ…

Năm 1929, Tagore có ghé qua Sài Gòn, diễn thuyết ở Hội Khuyến học. Đất nước Việt Nam tự hào là người bạn của Ấn Độ, người bạn của Tagore, nơi đã lưu dấu trong chốc lát hình bóng và mùi hương của một thiên tài thi ca nhân loại.

GS Mai Quốc Liên

Tin cùng chuyên mục