Bạo lực gia đình không chỉ gây hậu quả nặng nề về thể chất, tinh thần cho nạn nhân, mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng các quyền con người. Do đó, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 và Luật Tố cáo năm 2011 đã quy định về hình thức và thủ tục khiếu nại, tố cáo (KN-TC) đối với hành vi này.
Điều 18 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định nạn nhân hoặc bất kỳ người nào phát hiện hành vi bạo lực gia đình đều có quyền tố cáo người vi phạm đến các cơ quan công an nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã. Ngoài ra, người bị bạo lực gia đình có thể đề nghị các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chức năng liên quan giúp đỡ. Luật này cũng áp dụng đối với trường hợp thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng. Điều 44 quy định: “Việc KN-TC và giải quyết KN-TC đối với các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình được thực hiện theo quy định của pháp luật về KN-TC”. Theo Luật Tố cáo, việc tố cáo được thực hiện bằng đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp. Trường hợp tố cáo bằng đơn, trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo; nội dung tố cáo và phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo. Trường hợp tố cáo trực tiếp, người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo, hoặc người tiếp nhận ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
Nếu công dân tố cáo đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra, xác minh họ tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo, đồng thời thông báo cho người tố cáo biết lý do không thụ lý (nếu có yêu cầu). Trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm, thời hạn kiểm tra, xác minh có thể dài hơn, nhưng không quá 15 ngày. Nếu công dân tố cáo đến cơ quan không có thẩm quyền, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, người tiếp nhận phải chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, và thông báo cho người tố cáo (nếu có yêu cầu). Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp, người tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Tố cáo sẽ được giải quyết trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thụ lý, hoặc có thể là 90 ngày đối với vụ việc phức tạp.
Hiện nay, số lượng tố cáo đối với hành vi bạo hành gia đình vẫn còn rất hạn chế, xuất phát từ tâm lý cam chịu của người Việt Nam, không muốn tố cáo, sợ “vạch áo cho người xem lưng”; người ngoài cuộc thì sợ phiền phức, cho rằng chuyện vợ chồng của người ta không nên can thiệp. Tuy nhiên, để bảo vệ bản thân và gia đình, các nạn nhân bị bạo lực hãy lên tiếng, hãy tự cứu mình bằng giải pháp kiên quyết không sống chung với kẻ vũ phu, tố cáo các hành vi bạo hành gia đình để nhận được sự bảo vệ, giúp đỡ của các cơ quan thực thi pháp luật.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)