Tổ chức tham quan, dã ngoại: Học sinh vui, giáo viên căng thẳng

Nếu “nhát”, không tạo điều kiện cho học sinh đi tham quan, dã ngoại, trải nghiệm thực tế, khám phá cuộc sống thì sẽ thiệt thòi cho các em. Nhưng tổ chức như thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối, không xảy ra sự cố đáng tiếc luôn là áp lực đối với ban giám hiệu ở các trường học.
Tổ chức tham quan, dã ngoại: Học sinh vui, giáo viên căng thẳng

Nếu “nhát”, không tạo điều kiện cho học sinh đi tham quan, dã ngoại, trải nghiệm thực tế, khám phá cuộc sống thì sẽ thiệt thòi cho các em. Nhưng tổ chức như thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối, không xảy ra sự cố đáng tiếc luôn là áp lực đối với ban giám hiệu ở các trường học.

Giờ học ngoại khóa của học sinh Trường TH Thực hành Sài Gòn.

Áp lực nặng

Chương trình học nặng nề, lịch kiểm tra dày đặc cộng với thực tế thiếu những hoạt động ngoại khóa xen kẽ hấp dẫn, sinh động ở trường đã khiến học sinh các cấp học căng thẳng, mệt mỏi. Thế nhưng, muốn tổ chức các tiết học ngoại khóa, chương trình dã ngoại để giúp học sinh “đổi gió”, tạo  sân chơi mới lạ, sinh động thì lại đẻ ra đủ thứ phải tính toán, lo toan. Lo nhất là nếu xảy ra sơ suất, rủi ro không lường hết trong hành trình của chuyến đi, dù ở ngay TP  hay đến những địa điểm xa xôi thì “xôi hỏng bỏng không”, thậm chí ân hận suốt đời. Đó là tâm trạng của nhiều hiệu trưởng trước bài toán tổ chức hoạt động ngoại khóa, chương trình tham quan, dã ngoại làm sao đáp ứng nhu cầu đa dạng của học trò nhưng đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Câu chuyện nam học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Phước Thạnh quận 9 TPHCM tử vong do ngạt nước trong chuyến tham quan ở Công viên nước Đầm Sen mới đây khiến nhiều phụ huynh vốn đã lo ngại càng thêm bất an. Nhiều phụ huynh tuyên bố không cảm thấy an tâm khi cho con mình tham gia các chuyến dã ngoại ở cách xa TPHCM. Chị Hoàng nhà ở  quận 3 kể, năm ngoái cho con gái học lớp 12 tham gia chuyến dã ngoại của trường lên Đà Lạt 3 ngày 2 đêm khiến cả nhà hồi hộp, mất ăn mất ngủ. Chỉ đến khi đoàn trở về an toàn, nhìn thấy con bước xuống xe, phụ huynh mới thở phào nhẹ nhõm. Theo cô Đỗ Thị Bích Duyên, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn quận 3, năm học nào nhà trường cũng tổ chức các chuyến tham quan, dã ngoại cho học sinh nhằm giúp các em trải nghiệm, khám phá cuộc sống và nhất là có điều kiện giao lưu, sống tập thể. Không chỉ chọn đơn vị dịch vụ du lịch có uy tín, trường phải lên kế hoạch tỉ mỉ, chặt chẽ, đảm bảo an toàn đến từng chi tiết nhỏ, từ ăn uống đến sinh hoạt, vui chơi trong trong suốt hành trình.

Làm sao tránh rủi ro?

Theo thầy Nguyễn Long Sơn, Hiệu Trưởng Trường Trung học thực hành Sài Gòn, từ những rủi ro xảy ra trong các chuyến tham quan, nhất là vụ 7 học sinh ở  Bình Dương bị chết đuối nước ở biển Cần Giờ năm ngoái, nhà trường không dám tổ chức cho học trò ra biển, đến nơi có sông, nước. Tuy nhiên, nếu “nhát” không tổ chức cho học trò tham quan xa, về nguồn hoặc trải nghiệm những điều đã học thì cũng thiệt thòi cho các em. Vì vậy, muốn tổ chức tham quan thì ngay từ đầu năm học phải lên kế hoạch chu đáo và chú trọng yếu tố an toàn tuyệt đối cho học sinh. Giáo viên một trường THPT, nơi từng xảy ra sự cố đau lòng khi cho học trò đi tham quan, bộc bạch rằng, nhiều năm nhà trường vẫn không dám tổ chức một chuyến dã ngoại nào xa TPHCM. Hệ quả và di chứng của chuyến tham quan trước đây như bóng đen bao trùm và chẳng thầy cô nào muốn tổ chức tiếp, bởi lẽ làm sao biết trước chuyện gì sẽ xảy ra?

Ở độ tuổi còn nhỏ, nhất là bậc tiểu học, THCS, học sinh hiếu động, thích tìm hiểu, khám phá nên rất dễ hành động tự phát, vượt qua hàng rào kỷ luật. Vì thế, chỉ cần giáo viên, nhân viên của đơn vị tổ chức chuyến đi lơ là, thiếu kiểm soát là có thể xảy ra hậu quả đáng tiếc. “Đối với học sinh bậc THPT lại có nỗi bận tâm khác là phải canh chừng các “cô, cậu tuổi teen” sổ lồng - trốn trại đi chơi hoặc tâm sự riêng”, một hiệu trưởng bày tỏ. Trong công văn mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM đã lưu ý các hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn khi tổ chức các chuyến tham quan, dã ngoại.

Theo lưu ý của ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT TPHCM, các trường nên thành lập ban hoạt động giáo dục ngoài giờ với đầy đủ các bộ phận từ giáo viên, tổ chức đoàn, hội, giám thị…tham gia. Trước khi tổ chức các chuyến ngoại khóa, tham quan thì các trường phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, bàn sâu về các giải pháp quản lý học sinh, đảm bảo an toàn nhất, tránh xảy ra sự cố, rủi ro đáng tiếc. Cũng theo ông Minh, không chỉ có hoạt động tham quan, dã ngoại xa mới hấp dẫn học sinh mà cần đổi mới chương trình, nội dung tổ chức các tiết ngoại khóa phù hợp để hấp dẫn, tạo sân chơi bổ ích cho học trò.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục