Kinh tế TPHCM

To mà không khỏe ?

Sáng nay (23/8) Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội do ông Trương Quang Được, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã bắt đầu làm việc (hai ngày) với lãnh đạo TPHCM về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế –xã hội, ngân sách và đầu tư xây dựng cơ bản tại thành phố.

Tuy UBND TPHCM báo cáo tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố liên tục tăng quí sau cao hơn quí trước, trong 7 tháng đầu năm GDP tăng 10,2%. Nhưng ông Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đặt vấn đề: trong tăng trưởng kinh tế còn một yếu tố quan trọng nữa đó là có chất lượng của tăng trưởng. Do vậy khi đáng giá chỉ tiêu tăng trưởng, TPHCM có đánh giá chất lượng của nó không? Vì đây chính là cái gốc của vấn đề tăng trưởng.

Trả lời vấn đề này ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện kinh tế thành phố cho rằng: kinh tế thành phố là một hàn thử biểu phản ảnh bức tranh kinh tế của cả nước. Độ nhạy của kinh tế TPHCM có thể cao nhất trong cả nước do vậy cả mặt tích cực và tiêu cực đều bị ảnh hưởng rất nhanh. Thế nhưng kinh tế thành phố cũng chỉ là một bộ phận của nền kinh tế cả nước.

Thành phố đã nhìn nhận: kinh tế tăng trưởng liên tục trong các năm nhưng thiếu tính bền vững và “thiếu tính chiều sâu, chỉ phát triển chiều ngang”. Đáng chú ý, cơ sở hạ tầng đô thị nhất là giao thông không theo kịp sự phát triển của xã hội. Giá trị sản xuất có tăng, nhưng giá trị gia tăng lại không. Các ngành dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng, dịch vụ hậu cần ... tăng chậm. Do vậy “kinh tế thành phố như một người to mà không khỏe” – ông Lịch nói.

Đặc biệt, là vấn đề sắp xếp, đổi mới Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ông Lịch cho biết, chỉ làm được với các doanh nghiệp của thành phố thôi, chứ không thể “đụng” đến các doanh nghiệp của Trung ương. Mà DNNN của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố lại chiếm đến 70%.    

Đồng tình với quan điểm trên Bí Thư Thành Ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết lý giải tăng trưởng chưa vững chắc là do: kinh tế chủ yếu dựa trên gia công chế biến, chịu sự tác động của bên ngoài lớn, thế nên khi “người ta hắt hơi sổ mũi” thì mình không khỏi bị ảnh hưởng.

Chia sẻ với nỗi lo âu của lãnh đạo thành phố, ông Trương Quang Được cho rằng: Quốc hội cũng như Chính phủ rất quan tâm làm thế nào để thành phố xứng đáng với vị trí vốn có là “đầu tàu” của cả nước. Ông Được cũng lưu ý: hiện nay nếu thành phố không tăng cường đầu tư mạnh, phát triển cơ sở hạ tầng thì đến một lúc nào đó sẽ bị chựng lại so với cả nước.  Đặc biệt, ông Được lưu ý công tác qui hoạch phải làm cho chu đáo và luôn cập nhật hàng ngày. Bởi vì nếu không thì sẽ không dám quyết một điều gì hoặc lại lâm vào tình trạng “nay làm mai sửa”.

TRẦN TOÀN

Tin cùng chuyên mục