Anh Nguyễn Minh Nghĩa, nhân viên giao nhận hàng của một công ty trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh TPHCM chia sẻ: “Cứ đến ngã ba, ngã tư là thế nào cũng nhận được một đống tờ rơi. Mình cũng chả thèm đọc, cứ cầm vậy cho xong thôi. Ngày nào cũng nhận được hơn chục tờ, đủ thứ mẫu mã, nội dung… Nhiều người sau khi đọc xong thì quăng luôn xuống đường”. Quả thật, cứ chạy thử vài vòng trên những tuyến đường lớn ở thành phố như Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… đến ngã ba, ngã tư nào cũng thấy đầy giấy và giấy.
Hình ảnh nhiều cô cậu học sinh, sinh viên với một xấp tờ rơi trên tay, chìa ra và nhét vội vào tay người đi đường đã trở nên quá quen thuộc, giống như việc kẹt xe vào giờ cao điểm vậy…
Nhiều câu chuyện hy hữu xung quanh câu chuyện phát tờ rơi cũng đã xảy ra với những cô cậu sinh viên này. Nguyễn Tuấn Hiền, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp IV, cho biết: “Khi rảnh, mình nhận phát tờ rơi cho một cơ sở in thiệp cưới, bao bì. Mỗi ngày nhận khoảng 300 tờ và đến 10 giờ tối phải xong. Nghe kinh nghiệm từ những anh chị đi trước, mình lẻn vào một chung cư, nhét đầy tờ rơi vào hộp thư mỗi hộ. Trót lọt lần thứ nhất, lần thứ nhì, đến lần thứ ba thì bị bảo vệ tóm cổ. Ngồi ở trụ sở công an phường mà cứ run bần bật…”. Sau lần đó, anh chàng tự hứa, làm gì thì làm, sẽ “cạch” luôn công việc này.
Hiện đã có hẳn những quy định cấm và xử phạt đối với những hành vi trên. Cụ thể, cấm phát tán ngoài đường các loại tờ gấp, tờ rơi quảng cáo. Các loại tờ rơi này chỉ được phát tại nơi bán hàng, trưng bày và giới thiệu sản phẩm, treo dán tại những vị trí đã được quy định (theo khoản 6, Điều 4, Quyết định số 108 của UBND TPHCM).
Với người trực tiếp phát tờ rơi, có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 - 100.000 đồng đối với mỗi tờ rơi quảng cáo không đúng nơi quy định (theo khoản 1, Điều 50, Nghị định 56). Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với mỗi tờ rơi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ thuộc loại cấm quảng cáo (khoản 1, Điều 51, Nghị định 56)…
Ấy thế mà, nhiều cô cậu sinh viên vô tư trả lời rằng chẳng hiểu mình vi phạm điều gì? Nếu có đuổi thì chạy. “Mình phát, người đi đường đọc xong vứt đi là do ý thức của họ…”. Thế cho nên, mặc cho các biển báo cấm, tuyên truyền về “văn hóa” phát và nhận tờ rơi, hàng ngày, nhiều con đường tại TPHCM vẫn được lót đầy “thảm giấy”.
Tường Thanh