Tôi xê dịch

Tôi xê dịch

Cuộc sống hiện đại đem tới cho người trẻ rất nhiều cơ hội tiếp xúc với các nền văn hóa đa dạng. Chỉ với một cú click chuột là cả thế giới mở ra trước mắt. Trong làn sóng hội nhập đó, dù muốn hay không, văn hóa dân tộc dường như đã mai một ít nhiều.  Đó chính là lý do khiến các bạn sinh viên trẻ thành lập tổ chức tình nguyện Tôi xê dịch, với mục đích quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt với các bạn trẻ trong nước và quốc tế.

Các bạn trẻ tham gia trải nghiệm cùng Tôi xê dịch háo hức tập làm tranh Đông Hồ.

Với việc tổ chức các tour khám phá hay còn gọi là  trải nghiệm tới các địa chỉ văn hóa, Tôi xê dịch khuyến khích những người trẻ đi, tìm hiểu phong cảnh Việt Nam, từ đó chia sẻ với bạn bè thế giới. Đến nay, Tôi xê dịch đã cho ra đời nhiều chương trình tìm hiểu văn hóa như: Tham quan Hoàng thành Thăng Long và tìm hiểu văn hóa Hà Nội, tìm hiểu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nền Nho học tại Việt Nam, kiến trúc và trang phục của người Hà Nội xưa, tham quan phủ Tây Hồ và tìm hiểu về đạo Mẫu… Hay tổ chức các buổi nghe ca trù, chầu văn, xem múa rối nước và khám phá nghề trồng dâu nuôi tằm….

Định kỳ tổ chức mỗi tháng một lần, Tôi xê dịch  đã thu hút hàng trăm  bạn trẻ tham gia trải nghiệm qua mỗi chương trình. Kinh phí để nhóm hoạt động đều do thành viên đóng góp, chủ yếu là tiền vé tham quan di tích. Anh Nguyễn Xuân Hồng, một người nghiên cứu văn hóa, chia sẻ: “Là một người có vốn hiểu biết về văn hóa nên tôi thường xuyên được các bạn mời làm diễn giả cho các sự kiện của Tôi xê dịch. Tôi đồng ý tham gia thường xuyên vì rất trân trọng niềm đam mê của các bạn. Trong khi nhiều bạn trẻ khác đang mải mê chạy theo trào lưu cuồng sao Hàn Quốc, K-Pop… thì nhóm lại đưa các bạn trẻ  tìm về các giá trị văn hóa ngàn đời của dân tộc. Đây là điều vô cùng ý nghĩa và đáng khâm phục ở các bạn”.

Gần đây, nhóm cho  ra mắt trang web http://toixedich.com/ do một thành viên của nhóm thiết kế. Bên cạnh đó, trang fanpage đã có gần 10.000 bạn trẻ theo dõi. Đây là hai kênh trao đổi thông tin chủ yếu  của nhóm với đông đảo các bạn trẻ. Một điều thú vị là trên website chính thức có cả các bài viết bằng tiếng Anh để bạn bè quốc tế có thể biết và tham gia chương trình.

Nguyễn Thị Hà (sinh viên ĐH Ngoại thương), một thành viên sáng lập Tôi xê dịch, chia sẻ: “May mắn là trong nhóm có nhiều bạn giỏi tiếng Anh, nên đã vận động được nhiều bạn trẻ nước ngoài tham gia vào các cuộc trải nghiệm”. “Háo hức, tò mò rồi đến hào hứng đón nhận là tâm trạng của các bạn trẻ nước ngoài sau được đi nghe ca trù. Nụ cười của các bạn  làm chúng tôi rất vui vì điều đó cho thấy Tôi xê dịch đã thành công bước đầu” - Phương, một thông dịch viên trong nhóm, chia sẻ.

Trong tương lai, Tôi xê dịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình dành cho giới trẻ nhưng sẽ dưới nhiều phương diện và cách truyền tải thú vị hơn, nhằm mang lại một góc nhìn mới mẻ và hấp dẫn về văn hóa dành cho các bạn trẻ. Qua đó, Tôi xê dịch sẽ kêu gọi hành động cụ thể của các bạn trẻ để bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc. Đối tượng là du học sinh các nước sang Việt Nam và khách du lịch yêu văn hóa Việt.

Sự có mặt của những dự án như Tôi xê dịch minh chứng một điều: Giới trẻ không quay lưng với văn hóa dân tộc. Dù là những bước đi còn chập chững nhưng ý tưởng, sự trăn trở của đội ngũ thực hiện dự án đáng được trân trọng.

MINH VƯƠNG

Tin cùng chuyên mục