Năm thứ ba liên tiếp, ngành vật liệu xây dựng rơi vào cảnh chợ chiều. Tính đến thời điểm này, chỉ riêng ngành xi măng mức tồn kho lên đến 2 triệu tấn và 500 ngàn tấn thép.
- Sức ép tồn kho và trả lãi
Còn nhớ thời điểm hoàng kim của ngành vật liệu xây dựng vào cuối năm 2007 đến hết 2008, giá thép được đẩy lên trên 21 triệu đồng/tấn, còn xi măng ở mức trên dưới 100 ngàn đồng/bao và xuất hiện tình trạng khan hiếm nguồn cung nghiêm trọng. Thế nhưng, bước qua năm 2009, đặc biệt từ khi Chính phủ quyết định cắt giảm đầu tư công để kéo giảm lạm phát, cộng thêm hệ thống ngân hàng đồng loạt đẩy lãi suất cho vay ở mức 12%/ năm vượt lên gấp đôi với mức 24%-25%/năm, lập tức ngành vật liệu xây dựng bị tác động, giá rớt sâu và thị trường ế ẩm.
Cụ thể, hiện giá thép xây dựng đang quay về giữ ở mức 18.500-18.800 đồng/kg. Còn giá xi măng ở mức 1.500-1.800 đồng/kg. Trong khi đó, số liệu mới nhất vừa công bố cho thấy, tồn kho ở ngành thép được Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo vào khoảng gần 500.000 tấn. Riêng lượng hàng tồn kho của ngành xi măng hiện khoảng 2 triệu tấn. Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi, mức tồn kho cho phép với doanh nghiệp (DN) chỉ khoảng 250.000 tấn, trong khi lượng thép tồn kho lớn như hiện nay đã khiến nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng. Và riêng mức lãi mà DN phải trả cho số thép tồn kho này đã lên tới 150 tỷ đồng/tháng.
Đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, với tốc độ tiêu thụ hàng chậm như hiện nay, do nhiều công trình bị cắt giảm, cộng với nguồn cung dồi dào, nên lượng tồn kho xi măng tiếp tục đứng ở mức cao. Điều này sẽ kéo theo hệ lụy là nhiều DN trong ngành xi măng có thể phải ngừng sản xuất hoặc bị phá sản trong thời gian tới. Nguy cơ thất nghiệp trong ngành xi măng rất đáng lo ngại.
Đáng chú ý, với năng lực sản xuất trên 60 triệu tấn/năm, sang năm 2012, nếu vốn cho bất động sản chưa được cải thiện, các dự án hạ tầng bị cắt giảm theo chủ trương siết chặt đầu tư công, thì tiêu thụ xi măng sẽ còn nan giải và việc trả nợ vốn vay đầu tư sẽ tiếp tục là bài toán khó đối với các doanh nghiệp xi măng. Trong khi đó, đại diện các hiệp hội DN đều cho rằng, phải đến khi có những bước chuyển lớn về chính sách lãi suất, thúc đẩy được sản xuất và tiêu dùng, thì tình trạng hàng tồn kho mới được giải quyết. Và như vậy, trước mắt ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành thép, xi măng nói riêng cần chủ động sắp xếp lại kế hoạch sản xuất, đồng thời có chiến lược mở rộng thị trường phù hợp.
- Cánh cửa xuất khẩu: Rào cản cạnh tranh
Trong khi đầu ra trong nước gần như bế tắc, ngành thép, xi măng vẫn còn một cánh cửa là cơ hội xuất khẩu. Tuy nhiên, để tham gia vào sân chơi toàn cầu này, ngành thép, xi măng còn khá nhiều rào cản cần vượt qua. Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường, xuất khẩu thép năm 2011 tăng cao đột biến với 1,87 triệu tấn, tăng gần 44,5% so với năm 2010. Cùng với phôi thép, các sản phẩm ống thép, cuộn cán nguội, thép không gỉ, thép thanh, tráng tôn mạ kẽm cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng rõ rệt so với năm 2010. Kết quả tăng trưởng này là nhờ những nỗ lực của các công ty thép trong việc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu mới khi nguồn cung vượt quá nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, để xuất khẩu hiệu quả, các DN thép cần phối hợp với nhau và thông qua Phòng Thương mại và công nghiệp VN để tăng cường xúc tiến thương mại ra nước ngoài. Mặt khác, lưu ý với các vụ kiện gia tăng, nhất là với mặt hàng thép cán nguội và thép ống vào thị trường Mỹ do xuất khẩu của nước ta tăng quá nhanh vào thị trường này. Thực tế, các DN hiện đang rất lúng túng để đối phó các vụ kiện do chưa có nhiều kinh nghiệm.
Tương tự, Hiệp hội Xi măng Việt Nam ước tính, trong năm 2012, lượng xi măng tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt từ 52-53 triệu tấn và lượng xuất khẩu vào khoảng 6 triệu tấn. Khoảng 500 ngàn tấn xi măng và 5,5 triệu tấn clinker được xuất sang thị trường các nước ở châu Phi. Dù cơ hội nhiều nhưng hầu hết DN trong ngành xi măng vẫn cho rằng xuất khẩu xi măng là bất khả thi. Bởi không như nhiều hàng hóa khác, xi măng là mặt hàng cồng kềnh nhưng giá trị thấp. Vấn đề nan giải nhất đối với việc xuất khẩu xi măng là chi phí vận chuyển.
Hiện tại, thị trường xuất khẩu tốt nhất đối với ngành xi măng là các nước Đông Nam Á và Nam Á. Nhưng đây cũng là đích nhắm của những nhà sản xuất xi măng lớn trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia và Đài Loan nên mức độ cạnh tranh rất quyết liệt, rất khó chen chân. Một nguyên nhân nữa là hầu hết các dây chuyền sản xuất xi măng của Việt Nam mới được đầu tư, trong khi đối thủ cạnh tranh ở khu vực đã giải quyết xong chuyện khấu hao. Do đó, việc “đấu giá” giữa DN xi măng trong nước với các đối thủ thực sự không cân sức; giá thành xi măng Việt Nam cao hơn của Thái Lan, Đài Loan và Trung Quốc. Chưa kể, nếu tính thêm chênh lệch về lãi vay ngân hàng, sản phẩm của DN xi măng trong nước càng yếu thế hơn.
LẠC PHONG