Tổn thương tủy sống: Điều trị kịp thời để tránh nguy cơ tàn phế

Tổn thương tủy sống thường do chấn thương hoặc các bệnh lý liên quan đến tủy sống gây ra. Hậu quả là người bệnh có nguy cơ bị liệt hoàn toàn cơ thể, gần như tàn phế nếu không được xử trí, điều trị đúng cách.
Bệnh nhân L.V.P. (60 tuổi, ngụ TPHCM) đang tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM
Bệnh nhân L.V.P. (60 tuổi, ngụ TPHCM) đang tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM

Hồi phục ngoạn mục

Tháng 6-2022, bà V.T.B. (53 tuổi, ngụ tỉnh Long An) bị tai nạn giao thông, chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM trong tình trạng yếu liệt tứ chi. Qua thăm khám, bà B. được xác định bị chấn thương gãy cột sống thắt lưng rất nặng. Đây cũng là nguyên nhân chính làm cho người bệnh bị sốc chấn thương, dẫn đến liệt hoàn toàn 2 chân, bí tiểu. Ngay sau khi nhập viện, bà B. được các bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu, sau đó chuyển về điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng tổn thương tủy sống. Sau 4 tháng điều trị, bà B. được xuất viện với 1 nẹp hỗ trợ khớp gối trái, và hiện bà đã vận động, làm việc nhà bình thường… Đánh giá về trường hợp bà B., BS-CKII Nguyễn Văn Nhiệm, Trưởng khoa Ngoại - Chỉnh hình, Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM, cho biết, đây là ca phẫu thuật khó bởi êkíp phải cố định lại 5 đốt sống, tạo hình, nắn chỉnh trượt đốt sống, khôi phục tối đa rễ thần kinh bị chèn ép ở thân, vá lại màng tủy, cắt gần hoàn toàn thân đốt sống L4 và thay thế bằng dụng cụ lồng titan.

Tương tự, bệnh nhân L.V.P. (60 tuổi, ngụ TPHCM) khi đang đi du lịch tại Đà Lạt thì không may trượt té ngã, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu trong tình trạng giập tủy sống cổ đốt C3, C4. Sau quá trình cấp cứu và điều trị ban đầu, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM để tập vật lý trị liệu. Bằng sự kiên trì của bản thân và nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng tổn thương tủy sống, đến nay ông P. đã vận động được tứ chi và đang được hướng dẫn tập đi. Ông P. bày tỏ: “Nhờ tập vật lý trị liệu, bệnh tình tôi đang có tiến triển rất tốt. Mong rằng trong thời gian gần nhất, tôi sẽ đi lại được và trở về với gia đình khỏe mạnh”.

Trên đây là 2 trong số hàng trăm người bệnh bị tổn thương tủy sống nặng, tiên lượng hồi phục kém, nguy cơ bị liệt, thậm chí tàn phế nhưng đã được điều trị kịp thời tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM và gần như hồi phục hoàn toàn. Theo BS-CKII Nguyễn Văn Nhiệm, ngoài việc phẫu thuật kịp thời, thì sự kiên trì trong tập vật lý trị liệu đúng cách góp phần rất lớn đến khả năng hồi phục của người bệnh.

Xử trí kịp thời, điều trị đúng cách

Theo TS-BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM, trong 5 năm gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị hàng ngàn trường hợp liên quan tổn thương tủy sống; trong đó, 76,66% người bệnh bị tổn thương do tai nạn, còn lại là do bệnh lý như u tủy, áp xe, mạch máu tủy... Đáng chú ý, tai biến phẫu thuật cũng khiến người bệnh bị tổn thương tủy sống, với tỷ lệ 4,1%. “Tủy sống đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của cơ thể. Khi bị tổn thương tủy sống, có thể dẫn đến các biến dạng cột sống như gù, vẹo, gai đôi. Nặng nề hơn, tổn thương tủy sống có thể để lại đến 10 biến chứng trên hầu hết cơ quan trong cơ thể (hô hấp, thần kinh, cơ, xương, tiết niệu, tiêu hóa, tuần hoàn…), khiến người bệnh bị liệt nếu không được can thiệp sớm, tập vật lý trị liệu kịp thời”, TS-BS Phan Minh Hoàng thông tin.

Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM cũng tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn lao động bị gãy cột sống thắt lưng dẫn đến tổn thương tủy sống nặng. TS-BS Nguyễn Trọng Tín, Trưởng khoa Cột sống B, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, cho biết, những trường hợp này nếu điều trị không hiệu quả sẽ để lại di chứng nặng nề cho người bệnh, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thời gian qua, Khoa Cột sống B sử dụng phương pháp kết hợp xương cố định phía sau với cấu hình ngắn, đơn giản nhưng vẫn đảm bảo đủ vững, giải áp triệt để chèn ép, bảo tồn và tái tạo được thân đốt sống bị gãy, rút ngắn thời gian phẫu thuật, giảm lượng máu bị mất, qua đó tăng khả năng hồi phục đến mức tối đa.

Để hạn chế nguy hiểm đối với người bệnh bị tổn thương tủy sống, nhất là sau tai nạn, các chuyên gia khuyến cáo, người bị nạn cần được cố định cơ thể, sơ cứu đúng cách, phẫu thuật kịp thời để tủy sống không bị chèn ép, tránh tổn thương dây thần kinh. Bên cạnh nỗ lực điều trị, tập vật lý trị liệu với sự hỗ trợ của các thiết bị chuyên môn hiện đại, người bệnh bị tổn thương tủy sống, yếu liệt cơ thể còn rất cần đến sự hỗ trợ về mặt tâm lý để đạt kết quả tối ưu nhất. Đồng thời, việc duy trì tình trạng dinh dưỡng được xem là nhân tố quan trọng trong việc cải thiện tiến trình điều trị của những người bệnh bị tổn thương tủy sống.

Người bị tổn thương tủy sống có khuynh hướng dễ mắc các bệnh liên quan đến tình trạng dinh dưỡng, như đái tháo đường và các bệnh tim mạch. Vì vậy, các chuyên gia lưu ý lượng dinh dưỡng cần thiết sẽ thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính và thói quen của từng người. Việc hấp thụ chất dinh dưỡng hàng ngày có thể trong khoảng từ 1.000 calories cho những người vận động ít và hơn 3.000 calories cho những người vận động nhiều. Càng lớn tuổi, lượng calories cần cho cơ thể càng ít.

Tin cùng chuyên mục