Tốn tiền tỷ, sao rác vẫn đầy đường?

Tốn tiền tỷ, sao rác vẫn đầy đường?

Theo Văn phòng Biến đổi khí hậu (BĐKH) TPHCM, trung bình mỗi ngày thành phố thải ra 7.200 - 7.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Mỗi ngày, TPHCM cũng tiến hành quét dọn, vệ sinh đường phố và các khu công cộng, thu gom chất thải rắn tại các nguồn phát thải và trên kênh rạch, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các điểm hẹn đến trạm trung chuyển và từ các trạm trung chuyển/điểm hẹn đến các khu liên hợp/nhà máy xử lý chất thải, xử lý và tái chế chất thải rắn sinh hoạt. Kinh phí phục vụ cho tất cả các hoạt động trên khoảng 2.200 - 2.400 tỷ đồng/năm, trong đó 10% của các chủ nguồn thải trả phí vệ sinh, 90% ngân sách của thành phố.

Đoàn viên, thanh niên các lực lượng vũ trang vớt rác trên rạch Dừa (quận 2, TPHCM). Ảnh: PHẠM MINH

Điều đáng nói, tốn số tiền “khủng” như vậy nhưng toàn thành phố nhìn chỗ nào cũng thấy… rác, bất kể sáng, chiều, tối hay là khoảng thời gian mà ngành vệ sinh vừa quét dọn rác xong. Tại sao như vậy? Có lẽ tìm câu trả lời không khó. Hầu như người dân thành phố chưa bao giờ thấy có người bị phạt vì hành vi vứt rác bừa bãi, cũng chưa bao giờ thấy cơ quan chức năng bị kiểm điểm, khiển trách hay bị kỷ luật vì chưa thực hiện nghiêm túc chức trách của mình: xử phạt những hành vi vứt rác bừa bãi. Chưa kể, thành phố còn thiếu rất nhiều thùng đựng rác công cộng cho người dân có thể bỏ rác vào. Không hiểu sao, ngành vệ sinh môi trường lại ngại ngần không mở rộng cửa, đón nhận sự đóng góp của xã hội trong việc đầu tư thêm thùng đựng rác công cộng. Ông Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, nguyên Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Thích ứng với BĐKH TPHCM, đã từng phát biểu không thấy trở ngại gì trong việc xã hội hóa việc đầu tư thùng rác công cộng, cũng như việc cho doanh nghiệp làm thùng đựng rác được ghi tên lên thùng rác. Vậy nút thắt ở đâu? Chắc chắn ngành vệ sinh môi trường thành phố biết rõ hơn ai hết.

Nhiều khu vực ở TPHCM đã, đang lắp đặt camera an ninh để kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm các quy định về trật tự an toàn xã hội. Ngành vệ sinh có thể kết hợp để phát hiện hành vi vứt rác bừa bãi. Đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho quét dọn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác mà thiếu đầu tư thỏa đáng cho việc giữ gìn vệ sinh, tạo điều kiện cho người dân chấp hành tốt việc vứt rác đúng nơi quy định, xử phạt nghiêm hành vi vứt rác bừa bãi…, hiệu quả thu được sẽ không cao. Thực tế đã chứng minh điều này. TPHCM tốn khoảng 200 triệu USD để nạo vét, chỉnh trang lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhưng công trình vừa hoàn thành chẳng bao lâu rác đã lại tràn đầy kênh, có nguyên nhân quan trọng từ việc người dân không bỏ rác đúng nơi quy định.

Ông bà ta có câu “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” để đề cao vai trò của vệ sinh môi trường trong cuộc sống. TPHCM có thể chưa hiện đại, giàu có nhưng việc giữ cho thành phố sạch sẽ thể hiện ý thức và nếp sống văn minh của người thành phố trước bạn bè trong và ngoài nước.

Và quan trọng hơn cả, giữ cho thành phố sạch sẽ, người hưởng lợi trước nhất, chính là những cư dân thành phố. Tại sao người dân thành phố không thể cùng nhau giữ cho thành phố sạch, đẹp?      

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục