Trong số này, có nhiều tấm gương xuất sắc như:
- Cô giáo Trần Thị Thúy, trường THPT Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên, người đã giúp học sinh của mình được tham gia vào những lớp học xuyên biên giới chỉ với một chiếc máy tính có internet và công cụ kết nối ứng dụng skype. Nhờ sự nỗ lực, sáng tạo của cô giáo trường huyện, hầu hết học sinh đã từng tham gia những lớp học của cô đều có thể tự tin giao tiếp với những người bạn quốc tế.
- Thầy giáo Ninh Văn Dậu, trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Krông Pa, Gia Lai đã vượt qua rất nhiều khó khăn để bám bản, bám trường, băng rừng vượt rẫy vận động học sinh trở lại lớp. Thầy đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gửi thư khen trong năm học 2016 – 2017.
- Thầy Phạm Thanh Linh, giáo viên Trường THPT Phủ Thông, Bắc Kạn, một trong các giáo viên trẻ điển hình trong phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Năm học 2016-2017, thầy đã tham gia biên soạn tài liệu Bồi dưỡng giáo viên cấp THCS do Sở GD-ĐT chủ trì; đạt giải nhì cuộc thi thiết kế bài giảng e-learning, bài giảng được chọn dự thi quốc gia và được chọn đưa vào kho bài giảng quốc gia…
Bên cạnh đó là các em học sinh đã nỗ lực vượt khó học giỏi như:
- Em Trương Văn Lên, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Bộc Bố, Bắc Kạn sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Sán Chỉ, thuộc huyện Pác Nặm. Ở vùng khó, điều kiện học tập khó khăn, nhưng Lên luôn đạt hạnh kiểm tốt, học lực giỏi. Không chỉ đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý và tham gia đội tuyển học sinh giỏi quốc gia năm học 2016-2017, trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, Lên còn xuất sắc đạt tổng 27,35 ở các môn thi khối A và 29 điểm ở các môn khối C. Với điểm số này, em đỗ 2 trường ĐH là Học viện An ninh Nhân dân và Học viện Hành chính quốc gia.
- Em Chảo Tả Mẩy - học sinh lớp 9A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Nậm Sài, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, dù sinh ra trong nghèo khó, nhưng trong các năm học 2014 - 2015, 2015 - 2016, 2016 -2017, Chảo Tả Mẩy đều đạt danh hiệu học sinh giỏi; đoạt giải khuyến khích môn Văn trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện...
Tại hội nghị, cùng với việc bày tỏ sự xúc động trước tấm gương những nhà giáo hết mình vì học trò, không quản ngại khó khăn, hy sinh tuổi thanh xuân cho sự nghiệp trồng người, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã kêu gọi, mỗi thầy cô giáo, mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi HSSV tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tạo chuyển biến tích cực cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
“Những thầy cô, học sinh được tuyên dương hôm nay chính là những nhân tố quan trọng, thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục của nước ta theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 29, đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận gần hơn với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới” – Bộ trưởng chia sẻ.
Nhấn mạnh giáo dục nước ta đang ở một giai đoạn hết sức quan trọng, giai đoạn tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện từ một nền giáo dục thụ động, nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục sáng tạo, phát huy năng lực, phẩm chất của người học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng quá trình này sẽ không dễ dàng mà có muôn vàn khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm và nỗ lực hơn nữa. Trong đó, mỗi thầy cô giáo phải thực sự là một tấm gương về tinh thần đổi mới, sáng tạo, sự tận tâm và trách nhiệm với nghề.
“Ngành giáo dục đang tiếp tục chặng đường đổi mới căn bản, toàn diện, trước mắt là đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Những đổi mới, sáng tạo từ hôm nay sẽ là bước chuẩn bị tốt để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.