(SGGP).– Ngày 26-2, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và chúc mừng y bác sĩ, cán bộ, viên chức, người lao động Bệnh viện (BV) K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) và BV Nhi Trung ương nhân dịp kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2013).
Tổng Bí thư bày tỏ mong muốn 2 BV tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động, kết hợp giữa Đông y và Tây y, giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, xây dựng BV gương mẫu, tiên tiến để các BV khác học tập và noi theo.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, nhân dân có sức khỏe tốt thì dân tộc ta mới phát triển trường tồn, đất nước mới cường thịnh. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và coi công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Trước nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, tình trạng phân hóa giàu nghèo gia tăng do tác động mặt trái của cơ chế thị trường đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tổng Bí thư mong muốn đội ngũ những người thầy thuốc Việt Nam sẽ không ngừng phấn đấu, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu “lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền”, xây dựng nền y học Việt Nam tiên tiến, hiện đại và dân tộc, đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của nhân dân.
* Sáng 26-2, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã đến Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thăm và chúc sức khỏe VS-BS Dương Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Chủ tịch Hội Y học TP và GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam. Đây là những người thầy, người anh có công xây dựng và đào tạo các thế hệ y - bác sĩ.
Chủ tịch Lê Hoàng Quân trân trọng những thành quả mà VS-BS Dương Quang Trung đã đóng góp cho ngành y tế nước nhà. Trong chiến tranh, ông từng xung phong vào Nam, tham gia xây dựng, làm việc tại Bệnh viện Hoàng Lệ Kha, phục vụ cán bộ của Ban Dân y Trung ương cục. Khi hòa bình, ông tham gia chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống nhiều dịch bệnh, khống chế các bệnh xã hội do chế độ cũ để lại; hợp tác với bác sĩ nước ngoài xây dựng Viện Tim; hiến kế phát triển ngành y, nhất là khâu đào tạo nguồn nhân lực y - bác sĩ cho TPHCM…
Cùng ngày, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cũng đã đến thăm và chúc sức khỏe GS-BS Nguyễn Thiện Thành, nguyên Chủ tịch Hội đồng Sức khỏe Trung ương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM.
Tối cùng ngày, Thành đoàn TNCS TPHCM tuyên dương, trao giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần 3-2013 tặng 20 cá nhân. Đây là những thầy thuốc trẻ, có nhiều sáng kiến trong chuyên môn, tận tình phục vụ nhân dân và tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Biểu dương thành tích xuất sắc của các gương mặt đoạt giải, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM mong các thầy thuốc trẻ tiếp tục phát huy vai trò, sức trẻ của mình đóng góp vào sự phát triển của ngành y tế, hoàn thành trách nhiệm chăm sóc sức khỏe nhân dân mà Đảng đã giao phó. Trước đó, sáng 26-2, 20 thầy thuốc trẻ đã dâng hương, dâng hoa, báo công trước tượng đài Bác và viếng mộ liệt sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.
Ngày 26-2, nhân dịp kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bệnh viện Nhân dân 115 đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì do Chủ tịch nước trao tặng. Trong hơn 40 năm qua, Bệnh viện Nhân dân 115 đã không ngừng phát triển. Từ một bệnh viện hạng 3, đến nay đã thành bệnh viện đa khoa hạng 1 với 31 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, 8 phòng chức năng. Trong năm 2012, bệnh viện đã khám và điều trị cho gần 640.000 lượt bệnh nhân. Với sự nỗ lực của đội ngũ y - bác sĩ của bệnh viện đã góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân, góp phần giảm thời gian điều trị trung bình từ 12,6 ngày xuống còn 10,08 ngày. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã trao 3 bằng khen tặng 3 cá nhân xuất sắc của bệnh viện.
Nhóm PV
Đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên hết
(SGGP).– Đó là khuyến nghị của GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y Dược học VN với các bạn trẻ ngành y trong buổi giao lưu “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ ngành y” do Thành đoàn TPHCM tổ chức ngày 26-2.
Cùng góp phần xây dựng hoài bão, động lực phấn đấu đúng đắn cho các bạn trẻ, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, BS-VS Dương Quang Trung cho rằng, ngành y hiện chưa có tính chuyên nghiệp nên dù chúng ta làm rất nhiều việc nhưng người dân chưa tin tưởng, vẫn ra nước ngoài chữa bệnh.
Theo GS Phạm Mạnh Hùng, quyền lợi của bác sĩ là chính đáng nhưng bác sĩ phải luôn sẵn sàng cứu người, đặt quyền lợi và tính mạng của bệnh nhân lên trên quyền lợi và tính mạng của bản thân mình. Bạn trẻ nào không xác định được như vậy thì… đừng bước chân vào nghề y. “Người bệnh coi ta là cứu tinh. Trong giây phút giữa sự sống và cái chết, ánh mắt người bệnh vẫn lóe lên tia sáng hy vọng, tin cậy, chờ đợi ở người thầy thuốc. Họ hy vọng vào ta, nghe theo (lời chỉ dẫn) ta như thế; liệu ta có xứng đáng với lòng tin ấy không?” – GS Phạm Mạnh Hùng tự vấn cũng là chất vấn các bạn trẻ.
Đặt các bạn trẻ vào tình huống ứng xử với bệnh nhân, GS khuyên các bác sĩ tự biết kiểm soát bản thân mình, phải có lòng tự trọng và coi trọng người khác thì bản thân mình mới nhận được sự kính trọng của mọi người. Bác sĩ phải biết kiềm chế bản thân còn bởi ngành y là môi trường có điều kiện dễ lạm dụng, ngụy biện, lừa dối người khác. Theo GS Phạm Mạnh Hùng, y đức không chỉ đơn giản là ngọt ngào với bệnh nhân, không nhận phong bì rồi… chữa bệnh hoài không khỏi. Có y đức là đòi hỏi bạn trẻ luôn luôn phải trau dồi nghề nghiệp suốt cả đời. Nghề y luôn biến hóa, phát triển từng giờ, nếu bác sĩ ngoại khoa chỉ mổ thôi, không nghiên cứu khoa học thì đó là “thợ mổ” chứ không phải là bác sĩ. Và nghề y không phải là nghề chữa bệnh mà là chữa người bệnh: cùng một bệnh nhưng có khi mỗi người bệnh cần dùng một loại thuốc khác nhau, bác sĩ phải lựa chọn giải pháp phù hợp với mỗi người; không những biết bệnh mà phải biết người, đó là “nhân thuật”.
Cộng với trách nhiệm xã hội để cộng đồng biết tới bác sĩ là một chỗ dựa, tất cả những yếu tố trên là nội hàm của tính chuyên nghiệp của ngành y, đang được Tổng hội Y Dược học VN phát động và phối hợp xây dựng, để lấy lại niềm tin của người dân, khắc phục y đức đang xuống cấp ở một bộ phận chiến sĩ áo trắng.
Trả lời câu hỏi của bác sĩ trẻ Bùi Quốc Thắng (Bệnh viện Chợ Rẫy) về việc rất ít bác sĩ muốn về cơ sở, PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng các chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ ở cơ sở chưa được đầy đủ. Thời gian tới, TP sẽ có kế hoạch đưa các bác sĩ về cơ sở 2 - 3 năm rồi rút về đào tạo chuyên khoa. Bác sĩ đã ở cơ sở sẽ được ưu tiên hơn, được luân chuyển trong hệ thống các cơ sở y tế của TP một cách linh hoạt.
Đ.Loan