Sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đi qua một chặng đường gần 1/4 thế kỷ. Đây là một chặng đường đáng ghi nhớ trong những mốc son lịch sử vinh quang của Đảng và dân tộc. Làm nên sự nghiệp đổi mới là công lao của toàn Đảng, toàn dân và người đặt nền móng của công cuộc đổi mới là đồng chí Trường Chinh.
1- Giữa năm 1986 (ngày 10-7-1986), đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư của Đảng từ trần. Tại phiên họp đặc biệt ngày 14-7-1986 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh một lần nữa được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng (trước đó, từ năm 1940 đến năm 1956, đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng).
Đó là thời điểm thật ngặt nghèo của đất nước. Đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề. Nền kinh tế vận hành thiếu năng động, kém hiệu quả. Nhiều nhu cầu thiết yếu của cuộc sống người dân về ăn, mặc, ở không được giải quyết đầy đủ. Sự thiếu hụt kinh niên khiến tình trạng căng thẳng trong xã hội gia tăng. Lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng bị giảm sút. Bao vấn đề gay gắt khiến không ít đảng viên băn khoăn, lo lắng.
Trong tình hình đó, với trách nhiệm Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương chuẩn bị Đại hội lần thứ VI của Đảng. Dự thảo báo cáo chính trị đã được gửi xuống các cấp lấy ý kiến nhưng bản dự thảo chưa đánh giá đúng tình hình, chưa thấy rõ sai lầm nghiêm trọng trong lãnh đạo và quản lý kinh tế - xã hội, do vậy chưa đáp ứng đúng yêu cầu của cán bộ và nhân dân. Như lời kể của đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư của Đảng: “Với tư duy lý luận sắc sảo và nhạy bén, với kinh nghiệm thực tiễn sống động của cơ sở và các địa phương, đồng chí Trường Chinh đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn thoát ra khỏi những quan niệm và nếp nghĩ cũ quen thuộc, chủ động đề xuất với Bộ Chính trị thảo luận, xem xét lại một số vấn đề trong đường lối kinh tế của Đảng. Đồng chí là người đề xướng công cuộc đổi mới với nội dung khá toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế. Những ý kiến của đồng chí Trường Chinh đã nhận được sự nhất trí cao của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cơ sở đó, báo cáo chính trị đã được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản”.
Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ VI của Đảng do đồng chí Trường Chinh trình bày đã khẳng định: Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Những khẩu hiệu và phương hướng nêu trong báo cáo trình đại hội như: “lấy dân làm gốc”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, “luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan”… đã để lại những dấu ấn cực kỳ sâu sắc, là những khẩu hiệu có tính chỉ đạo hành động trong suốt quá trình đổi mới đất nước.
Báo cáo chính trị do đồng chí Trường Chinh thay mặt Ban Chấp hành Trung ương trình bày trước Đại hội VI đã được toàn Đảng, toàn dân hân hoan đón nhận, tìm thấy ở đó con đường sáng giải phóng sức sản xuất, khai thác và phát huy mọi tiềm năng to lớn của nhân dân, đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và phát triển đi lên theo định hướng XHCN. Đại hội VI của Đảng cuối năm 1986 đã đi vào lịch sử và là đại hội đổi mới, là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam với những thành tựu rất to lớn được nhân dân ta và các nước trên thế giới ca ngợi, đánh giá rất cao.
Có thể nói, Báo cáo chính trị và Nghị quyết của Đại hội VI là đỉnh cao của thái độ thực sự cầu thị, dám nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật, dũng cảm phê bình và tự phê bình một cách nghiêm túc, giải phóng được sức mạnh của dân tộc, sự thông minh, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ, đảng viên, chắp cánh cho chúng ta vươn đến những thắng lợi vĩ đại.
2- Đã có rất nhiều sự việc đáng ghi nhớ trong những ngày tháng đó. Khi còn sống, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chia sẻ rất thật lòng: “Phải nói rằng, vào thời điểm đó (năm 1986) chỉ có đồng chí Trường Chinh, với hiểu biết sâu sắc về lý luận và là một người rất nguyên tắc, có phần cứng theo kiểu chính thống, mới có thể chỉ đạo thành công Đại hội VI - Đại hội của đổi mới. Điều tôi thấy hết sức thú vị là “tác giả” - nói chính xác hơn là “chủ biên” của đổi mới lại là một người vốn được coi là hết sức “cứng” như đồng chí Trường Chinh. Tôi hiểu rằng, đồng chí đã chú ý nghe từ nhiều phía và đặc biệt coi trọng ý kiến của những cán bộ có tư duy, dám nói thật, nói rõ quan điểm của mình. Đồng chí là người rất kiên trì đấu tranh với mọi ý tưởng, mọi việc mà theo đồng chí là không đúng và cũng rất quyết đoán đối với những điều mà đồng chí cho là đúng đắn, đủ cơ sở…
Đồng chí Trường Chinh không trực tiếp có mặt ở chiến trường miền Nam như các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, nếp sinh hoạt, phong cách của đồng chí cũng có phần khác so với các đồng chí đó. Vì vậy, có một thực tế là một số đồng chí Nam bộ dù kính trọng nhưng ít gần gũi, thân mật đối với đồng chí. Tuy nhiên với những gì đồng chí đã làm để đưa Đảng ta, đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới, tất cả đều rất mực quý mến và tin tưởng đồng chí. Tôi được biết, trong thời gian chuẩn bị nhân sự Đại hội VI, một số đồng chí lặn lội từ miền Nam ra, tới gặp đồng chí Trường Chinh để năn nỉ đồng chí tiếp tục làm Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa. Điều đó thật không ai có thể hình dung được trước đó”.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, khi còn là Bí thư Thành ủy TPHCM nhớ lại: “Trong thời kỳ này, tuy tuổi cao sức yếu nhưng đồng chí Trường Chinh vào thăm và làm việc với TPHCM và các tỉnh phía Nam nhiều hơn trước, nhất là từ khi Đảng bộ TPHCM tích cực thực hiện chủ trương “bung” ra để phát huy quyền làm chủ trong sản xuất, kinh doanh và quyền tự chủ tài chính của xí nghiệp; tìm được những mô hình “tháo gỡ” sản xuất để dần dần thoát khỏi sự trói buộc của cơ chế quản lý kinh tế theo kiểu hành chính, quan liêu, bao cấp… Đánh giá kết quả những chuyến thăm TPHCM và một số tỉnh phía Nam, đồng chí Trường Chinh viết: “Việc đi thăm thành phố… cũng như những chuyến đi thăm các địa phương khác trong thời gian qua đã giúp tôi hiểu rõ thêm tình hình thực tiễn của đất nước, từ đó suy nghĩ về một số vấn đề chung có ích cho việc đóng góp vào sự lãnh đạo của Trung ương”.
Thực tiễn đã hoàn toàn xác minh điều đó. Sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng bức xúc của nhân dân, đồng chí Trường Chinh đã có những cống hiến rất quan trọng vào việc đề ra chủ trương đổi mới của Đảng ta. Câu nói nổi tiếng của đồng chí: “Đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn” sẽ còn vang mãi trong lòng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào.
Đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng khẳng định: Trong sự nghiệp đổi mới, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong bản báo cáo chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Đồng chí đã nêu lên những sai lầm và những nhiệm vụ cơ bản của một Đảng cầm quyền: “Đảng là của dân”. Dân trao quyền lãnh đạo cho Đảng, Đảng không được tiếm quyền dân trao. Chính quyền phải là của dân, do dân và vì dân, phải thực hiện dân chủ và công khai trước dân, để dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra… Chính đồng chí Trường Chinh đã đọc báo cáo chính trị tại Đại hội VI đề ra những nhiệm vụ lịch sử trọng đại, khởi đầu công cuộc đổi mới đất nước, phát triển sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước xây dựng nước Việt Nam theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Đại tướng Mai Chí Thọ, khi sinh thời từng cho rằng: Cho đến nay, Nghị quyết Đại hội VI vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Nghị quyết là văn bản tự phê bình một cách dũng cảm và sâu sắc, thực sự cầu thị, giúp cho chúng ta đổi mới tư duy, rũ bỏ được tư tưởng bảo thủ, trì trệ để phát triển đất nước… Nghị quyết đổi mới của Đại hội VI do đồng chí Trường Chinh dự thảo là chiến lược lâu dài của Đảng ta sau chiến tranh… Trong bối cảnh tình hình của đội ngũ lãnh đạo Đảng ta, lúc đó, thật khó có ai thích hợp hơn đồng chí Trường Chinh để có thể xây dựng được bản dự thảo Báo cáo chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI có sức thuyết phục cao đến như thế.
Hải Hòa