Ngành cấp nước thành phố phát triển ngày càng đi vào chiều sâu. Mạnh dạng áp dụng mô hình quản lý mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ - khoa học trong hoạt động sản xuất và không ngừng cải tiến kỹ thuật đã giúp ngành cấp nước có những bước tiến dài…
Hiệu quả của mô hình quản lý tiên tiến
Một trong những dấu ấn quan trọng trong công tác quản lý của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn được đánh giá cao là việc ứng dụng mô hình caretaker trong quản lý, chống thất thoát nước không doanh thu. Rất nhiều tỷ đồng được ngành nước thành phố thu về qua mô hình quản lý mà các nước tiên tiến đang ứng dụng.
Chỉ tính riêng tại Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân, theo số liệu báo cáo mới nhất ngày hôm qua (24-12) của đơn vị này thì dự án giảm nước không doanh thu triển khai tại quận 11 bước đầu với việc triển khai 17 DMA (thuộc Vùng 2 dự án giảm nước không doanh thu) đã kéo giảm lượng nước thất thoát trên địa bàn quận từ 34% xuống trung bình còn dưới 12%. Lượng nước thu được là gần 8.000m³/ngày đêm (tương đương thu hồi khoảng 22 tỷ đồng/năm).
Nguyên nhân chủ yếu lượng nước thất thoát được xác định từ mô hình này cho thấy do hệ thống đường ống đã cũ mục khiến nước bị rò rỉ. Theo kế hoạch, toàn địa bàn quận 11 sẽ lắp đặt tổng cộng 33 DMA (thiết lập khu vực đồng hồ tổng để đo đếm lượng nước). Công việc này được thực hiện trong quý 1,2 năm 2014 theo tính toán sẽ kéo giảm khoảng 15.000 m³ nước sạch/ngày đêm, tương ứng với số tiền tiết kiệm khoảng 45 tỷ đồng/năm, tương ứng với kinh phí tư một nhà máy nước tại các tỉnh.
Trước đó, mô hình này được thực hiện rất hiệu quả tại các địa bàn cấp nước do Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định quản lý; địa bàn cấp nước của Công ty CP Cấp nước Bến Thành…
Sáng kiến tiết kiệm tiền tỷ
Cùng với đó là việc không ngừng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Số lượng sáng kiến ứng dụng khoa học - công nghệ tại Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cũng như các đơn vị trực liên tục tăng. Chỉ tính trong năm 2013 này, hàng loạt sáng kiến được các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sawaco đăng ký với Hội đồng khoa học - công nghệ của Tổng Công ty để được xét duyệt, công nhận.
Như tại Công ty TNHH MTV Cấp nước Trung An đã triển khai việc “Ứng dụng mã nguồn mở thay thế hệ điều hành Windows hay “Chương trình quản lý công văn”. Ban Quản lý Dự án Cấp nước có sáng kiến “Cập nhật dữ liệu chuyên đề mạng lưới cấp nước vào hệ thống SAWAGIS”. Công đoàn Phòng Công nghệ - Thông tin Sawaco triển khai “Phần mềm quản lý công đoàn viên”. Công ty TNHH MTV Cấp nước Tân Hòa thực hiện “Cẩm nang về câu hỏi giao thiếp khách hàng”; “Chương trình phần mềm quản lý đồng hồ nước”. Nhà máy nước Tân Hiệp đã nghiên cứu “Thiết kế chế tạo bộ đồ gá cân chỉnh lắp đặt van một chiều DN 800mm; sáng kiến về “Khắc phục khó khăn tận thu hóa chất trong sản xuất”.
Phòng Kỹ thuật - Công nghệ thực hiện sáng kiến “Chỉ dẫn bảo trì sửa chữa đường ống nước cấp và thiết bị bên trong mạng lưới cấp nước”. Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân thực hiện phương pháp mới trong công tác súc xả bằng Polypig…
Nói về công tác súc xả bằng polypig, đại diện Phú Hòa Tân Cho biết, địa bàn quản lý của đơn vị thuộc “vùng lõi” của các nguồn cấp nước chính. Do vậy, mạng lưới cấp nước chịu sự xáo trộn thủy lực của các nguồn cấp nước lớn. Thực tế này đã khiến tình trạng nước nhiễm bẩn xảy ra thường xuyên. Một vấn đề khác là địa bàn quản lý cấp nước của đơn vị thuộc khu vực nội thành có nhiều tuyến hẻm cụt nên nhiều điểm cuối tuyến trên mạng lưới cấp nước. Tại các vị trí cuối tuyến, tình trạng nước nhiễm bẩn diễn ra thường xuyên với tỷ lệ cao.
Theo thống kê, Phú Hòa Tân có khoảng 402 vị trí xả cuối tuyến (trung bình 1 km đường ống/1 vị trí xả cuối tuyến). Trong khi đó, áp dụng phương pháp xả tràn phổ biến hiện nay thì lượng nước tiêu hao cho công tác này rất lớn. Vì lẽ đó, nhằm hạn chế tối đa lượng nước thất thoát từ công tác súc xả, Phú Hòa Tân đã mạnh dạn áp dụng phương pháp súc xả mới này, tính hiệu quả cao hơn.
Trước đó, Phú Hòa Tân đã tiến hành thực nghiệm phương pháp này trên tuyến ống D100 uPVC dài hơn 200m tại phường 10, quận 11 với quá trình thực hiện gồm 4 bước: đóng van nguồn – mở van xả cuối tuyến – đưa polypig vào trong lòng ống sau đó tiến hành súc xả.
Kết quả thực nghiệm cho thấy, thời gian xả chỉ 5 phút, trong khi phương pháp xả tràn là 20 phút; chu kỳ súc xả 1 lần trên 30 ngày nhưng với phương pháp xả tràn thì chu kỳ súc xả chưa đến 15 ngày. Phương pháp súc xả mới thao tác dễ thực hiện, giải quyết được triệt để tình trạng đóng cặn bẩn trong thành ống; thời gian thực hiện nhanh, lượng nước thất thoát giảm đáng kể.
Theo tính toán, tổng giá trị dự kiến tiết kiệm được từ phương pháp súc xả polypig mỗi năm trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, hiệu quả khác mang lại là khách hàng hài lòng về chất lượng nước cung cấp, tạo niềm tin về chất lượng sản phẩm đối với khách hàng.
Đinh Gia Anh