Với đặc thù kinh tế - xã hội của thành phố, hệ thống cấp nước TPHCM hiện tại là một trong những hệ thống có quy mô lớn với tổng sản lượng nước sạch cung cấp trên 1,5 triệu m3/ngày. Hệ thống cấp nước này đang được đầu tư phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu dùng nước ngày càng cao của nhân dân. Do vậy, việc triển khai công tác quản lý, vận hành tổng thể hệ thống cấp nước như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất tương ứng với tình hình mới hiện nay đang được đơn vị này đặt ra.
Vận hành hệ thống cấp nước tại Cần Giờ.
“Bắt mạch” hiện trạng
Trong những năm qua, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã không ngừng nỗ lực thực hiện và cũng đã đạt được các kết quả tốt trong công tác quản lý vận hành hệ thống cấp nước, đảm bảo việc cấp nước được ổn định và liên tục cho người dân thành phố. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận hệ thống cấp nước của thành phố còn nhiều tồn tại bởi một số bất cập về hạ tầng kỹ thuật cũng như công tác quản lý vận hành. Cụ thể, hệ thống quản lý vận hành còn phân tán, thiếu đồng bộ; chưa theo dõi, kiểm soát chặt chẽ được tình hình hoạt động của mạng lưới cấp nước; chưa có thông tin phản hồi kịp thời và thể hiện chính xác tình trạng hoạt động của toàn hệ thống cấp nước; chưa có sự điều phối vận hành phù hợp, tối ưu giữa nguồn và mạng; năng lực phân tích, dự báo và quy hoạch phát triển hệ thống còn yếu…
Chính những hạn chế này đã dẫn đến tình trạng bị động và đôi khi chưa có những phương án xử lý hiệu quả, kịp thời trong quá trình vận hành hệ thống cấp nước cũng như trong các tình huống giải quyết khắc phục sự cố xảy ra trên hệ thống cấp nước. Hơn nữa, cùng với tốc độ phát triển nhanh của kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống cấp nước ngày càng được mở rộng và tăng lên nhanh chóng cả về công suất cấp nước lẫn quy mô mạng lưới phân phối. Cấu trúc mạng lưới cũng có những thay đổi mạnh mẽ.
Trước thực tế trên, vấn đề nâng cao công tác quản lý vận hành hệ thống cấp nước theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, từng bước tự động hóa, tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo cũng như năng lực quy hoạch phát triển mạng lưới cấp nước được Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đặt ra cùng với những giải pháp phù hợp.
Chủ động khắc phục sự cố trên mạng
Theo đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn định hướng thiết lập một Hệ thống quản lý vận hành tổng thể cho toàn bộ hệ thống cấp nước. Hệ thống này giữ vai trò là cấp điều phối vận hành cao nhất cho toàn bộ hệ thống cấp nước do Tổng Công ty quản lý, chịu trách nhiệm đề xuất chế độ vận hành phù hợp cho các nhà máy và mạng lưới cấp nước, quy hoạch định hướng phát triển hệ thống cấp nước, chỉ huy tổ chức ứng phó, xử lý, khắc phục các sự cố trên hệ thống một cách nhanh chóng, kịp thời để đảm bảo an toàn cấp nước.
Để đáp ứng được các yêu cầu này, hệ thống quản lý vận hành tổng thể được trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các hợp phần quan trọng đó là: Trung tâm điều phối vận hành (gồm phần mềm và hệ thống thiết bị vận hành như các máy chủ, màn hình hiển thị, các máy tính tác nghiệp, v.v...); Hệ thống giám sát, điều khiển, vận hành mạng lưới cấp nước (SCADA mạng lưới); Hệ thống giám sát, điều khiển, vận hành cho các nhà máy nước (SCADA các nhà máy nước); Phần mềm mô phỏng thủy lực có khả năng chạy trên nền GIS (WATERGEMS); Hệ thống GIS chuyên ngành cấp nước (SAWAGIS)…
Không dừng lại ở đó, để phát huy hiệu quả và tăng cường vai trò, năng lực của Hệ thống quản lý vận hành tổng thể, một số hợp phần có thể được trang bị bổ sung và tích hợp với Hệ thống quản lý vận hành tổng thể như: Hệ thống hỗ trợ công tác quản lý chất lượng nước: theo dõi chất lượng nước liên tục, hỗ trợ quản lý, phân tích, đánh giá chất lượng nước; Hệ thống quản lý tài sản tích hợp trên nền GIS; Hệ thống quản lý khách hàng (billing) tích hợp được trên nền GIS; Hệ thống quản lý nước thất thoát, thất thu; các công cụ hỗ trợ tác nghiệp khác.
Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, việc triển khai thành công Hệ thống Quản lý vận hành tổng thể sẽ giúp cho Tổng Công ty kiểm soát tốt hơn toàn bộ hoạt động sản xuất, cung cấp nước sạch, quy hoạch và phát triển hệ thống cấp nước, thông qua việc tăng cường khả năng kiểm soát thông tin trên hệ thống cấp nước (hướng đến kiểm soát áp lực, lưu lượng, chất lượng nước theo thời gian thực); tăng cường khả năng dự báo tình huống, ứng phó sự cố, đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định, liên tục; nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống cấp nước cả về mặt kỹ thuật và kinh tế (đảm bảo chế độ vận hành được thay đổi linh hoạt và tối ưu theo nhu cầu dùng nước); tăng cường khả năng hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển hệ thống cấp nước; nâng cao hiệu quả tham mưu và kết quả hoạt động của các đơn vị trực thuộc.
ĐINH GIA ANH