Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sẵn sàng vươn ra thị trường thế giới

Đội tàu chủ lực
Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sẵn sàng vươn ra thị trường thế giới

Sự kiện Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đón và đưa con tàu chở dầu Vân Phong 1 với hơn 100.000 DWT vào khai thác cuối tuần qua tại tỉnh Khánh Hòa đã tạo ra một dấu son cho thị trường vận tải xăng dầu. Đây được xem là việc đầu tư tàu chở dầu hiện đại, trọng tải lớn nhất Việt Nam. Con tàu đưa vào khai thác tạo ra nhiều lợi thế, trong đó tiết kiệm được số ngoại tệ dùng để thanh toán cho việc thuê tàu của nước ngoài như trước đây hàng chục triệu USD mỗi năm.

Đội tàu chủ lực

Mới đây, tại Kho Xăng dầu Ngoại quan Vân Phong (Đảo Mỹ Giang, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã tổ chức trọng thể lễ đón tàu Vân Phong 1. Đây được xem là tàu chở dầu hiện đại có trọng tải lớn nhất Việt Nam hiện nay, do Petrolimex làm chủ đầu tư. Tàu Vân Phong 1 có trọng tải 105.636 DWT, tổng dung tích hầm hàng 125.204m³ (thuộc nhóm tàu aframax size) được đóng tại Hàn Quốc, tổng mức đầu tư 44 triệu USD.

Quang cảnh buổi lễ đón tàu Vân Phong 1.

Quang cảnh buổi lễ đón tàu Vân Phong 1.

Với việc đầu tư tàu Vân Phong 1, đội tàu viễn dương Petrolimex đạt tổng trọng tải 453.000 DWT, trở thành đội tàu lớn nhất, mạnh nhất của Việt Nam về vận chuyển xăng dầu thành phẩm. Đội tàu viễn dương Petrolimex tự đảm đương được 80% nhu cầu vận tải xăng dầu nhập khẩu của Petrolimex (nhập theo điều kiện FOB, Petrolimex tự vận chuyển về Việt Nam) thay thế cho việc phải thuê tàu của nước ngoài. Mỗi năm, tàu Vân Phong 1 sẽ thực hiện vận chuyển khoảng 1,2 triệu m3 xăng dầu, tiết kiệm được số ngoại tệ dùng để thanh toán cho việc thuê tàu của nước ngoài như trước đây từ 15 đến 18 triệu USD/năm.

Phù hợp với chiến lược phát triển của mình, Petrolimex tăng cường sử dụng tàu trọng tải lớn, khai thác lợi thế cảng nước sâu Vân Phong, đầu tư Kho Xăng dầu Ngoại quan Vân Phong và dự án tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong để đưa khu vực này trở thành đầu mối trung chuyển xăng dầu quốc tế, góp phần chủ động điều tiết giá cả thị trường xăng dầu trong nước khi giá dầu thế giới biến động bất thường.

Kho Xăng dầu Ngoại quan Vân Phong và dự án tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong.
Kho Xăng dầu Ngoại quan Vân Phong và dự án tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong.

Trong buổi lễ đón chuyến tàu Vân Phong 1 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petrolimex Vũ Ngọc Hải vui mừng cho biết, tàu Vân Phong 1 được đưa vào khai thác sẽ giúp Petrolimex chủ động  trong việc ký kết hợp đồng dài hạn mua dầu sản phẩm với các hãng dầu lớn, nhập khẩu trực tiếp các lô hàng lớn nhằm góp phần đảm bảo duy trì nguồn hàng ổn định cho kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh xăng dầu thông qua việc mua FOB sản phẩm dầu và giảm chi phí trên đơn giá sản phẩm, tiết kiệm chi phí vận tải và chuyển tải. Đồng thời là bước đi đầu tiên trong chiến lược vươn ra thị trường vận tải xăng dầu thế giới, mở rộng và chuyên nghiệp hóa hoạt động và nhân lực trong lĩnh vực vận tải xăng dầu của Petrolimex.

Đánh giá về năng lực và tầm chiến lược phát triển của Petrolimex, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam nói chung, Công ty Xăng dầu Phú Khánh nói riêng đã đóng góp rất to lớn trong sự phát triển của địa phương. Việc đưa tàu Vân Phong 1 vào khai thác không chỉ giúp tổng công ty tiếp tục đảm bảo về nguồn, điều tiết giá cả thị trường xăng dầu trong nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh và khai thác tối đa các lợi thế của vịnh Vân Phong, mà còn góp phần đưa Vân Phong thành trạm trung chuyển lớn trên thế giới, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách tỉnh.

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất để Petrolimex thuận lợi đầu tư và phát huy cao lợi thế tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Thu Hằng đã đề nghị lãnh đạo các sở, ban ngành của địa phương và tạo điều kiện tối đa để Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam được tiếp cận với các chính sách nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, triển khai tốt các dự án đầu tư, sớm đưa Kho Xăng dầu Ngoại quan Vân Phong vào hoạt động, phục vụ đắc lực cho hoạt động xuất–nhập–trả hàng của Tàu Vân Phong 1 và phát triển các dịch vụ khác có liên quan.

Tiên phong bình ổn giá xăng dầu

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, việc đầu tư và hoạt động của Petrolimex thời gian qua phát triển đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Thứ trưởng cho rằng, sự kiện Petrolimex đón và đưa chuyến tàu Vân Phong 1 vào khai thác tiếp tục khẳng định hướng đi đúng đắn của Petrolimex trong chiến lược phát triển với vai trò là doanh nghiệp chủ lực trong việc điều tiết, bình ổn kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước.

Việc tiếp nhận tàu Vân Phong 1 kết hợp với đầu tư Kho Ngoại quan và Tổ hợp Lọc hóa dầu tại Vân Phong-Khánh Hòa của Petrolimex sẽ không những góp phần phát triển kinh tế tại địa phương mà còn đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp xăng dầu của Việt Nam, góp phần chủ động điều tiết giá cả và bình ổn thị trường xăng dầu trong nước và thực hiện nghiêm túc, có kết quả các chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ về ổn định nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Có thể khẳng định, trong lĩnh vực xăng dầu, Petrolimex đã giữ vai trò chủ đạo trên thị trường nội địa. Cùng với 10 doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu khác, Petrolimex bảo đảm đầy đủ và kịp thời các chủng loại phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế–xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh quốc phòng và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Hiện nay có 41/67 đơn vị thành viên Petrolimex trực tiếp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn 62/63 tỉnh, thành phố. Đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu; trong số hơn 10.000 cửa hàng xăng dầu thuộc tất cả các thành phần kinh tế, Petrolimex sở hữu hơn 1.800 cửa hàng hiện diện trên khắp cả nước tạo điều kiện để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và trực tiếp sử dụng hàng hóa, dịch vụ của Petrolimex cung cấp. Tại  vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn–nơi hiệu quả kinh doanh thấp nhưng hiệu quả về chính trị -xã hội cao, Petrolimex có thị phần cao hơn so với thị phần bình quân của toàn Tổng công ty.

Kể từ khi thành lập (năm 1956) đến nay, Petrolimex đã luôn thực hiện tốt vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm xăng dầu theo đúng chỉ  đạo của Chính phủ và thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Petrolimex phát triển kinh doanh xăng dầu tại các nước trong khu vực dưới các hình thức kinh doanh chuyển khẩu và xuất khẩu. Petrolimex cũng đã thành lập Công ty TNHH 1 thành viên Petrolimex tại Singapore–Trung tâm dầu khí lớn nhất thế giới và là doanh nghiệp đầu tiên áp dụng phương thức bán xăng dầu thanh toán bằng thẻ Flexicard, thực hiện các ưu đãi đối với người tiêu dùng sử dụng thẻ Flexicard; đồng thời, cung cấp dịch vụ ngân hàng tại các cửa hàng xăng dầu của mình trên toàn quốc.

Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt, kinh doanh trên 6 nhóm lĩnh vực, trong đó hoạt động xăng dầu chiếm chủ đạo. Bên cạnh đó, còn có các lĩnh vực hỗ trợ như: Vận tải xăng dầu (viễn dương, ven biển, vận tải đường sông, đường ống, đường sắt, đường bộ); hóa dầu (dầu nhờn, mỡ nhựa đường, hóa chất); gas (dân dụng và công nghiệp); thiết kế, cơ khí, xây lắp các công trình xăng dầu; bảo hiểm và một số lĩnh vực dịch vụ thương mại khác.

Từ năm 2002 đến nay, Petrolimex đã chuyển đổi thành công và an toàn 65 chuyến tàu aframax với tổng khối lượng 5.5 triệu m3 diesel, đóng góp vào ngân sách tỉnh Khánh Hòa hơn 6.500 tỷ; trong đó, riêng năm 2009 đóng góp 2.100 tỷ đồng, chiếm hơn 30% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Kho Xăng dầu Ngoại quan Vân Phong là kho xăng dầu ngoại quan đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam với tổng sức chứa thiết kế là 1.000.000 m3, được chia làm hai giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 gồm 29 bể với tổng sức chứa 500.000 m3 dùng để chứa các loại xăng, dầu thành phẩm; dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2011. Kho có 4 hệ thống cầu cảng tiếp nhận được tàu có trọng tải 150.000 DWT.

 P.Long - T.Tiên - M.Hằng

Tin cùng chuyên mục