Theo Reuters, ngày 8-10, Tổng thống Mỹ Barack Obama bất ngờ đi bỏ phiếu sớm tại thành phố Illinois, bang Chicago. Động thái này cho thấy xu hướng của đảng Dân chủ muốn các cử tri đi bỏ phiếu sớm trước ngày bầu cử 8-11.
Lá phiếu cho bà Hillary
Trong chuyến đi không thông báo trước này, ông Obama đứng trước một máy bỏ phiếu tự động tại văn phòng Ủy ban Bầu cử Chicago, ấn nút chọn tên ứng cử viên mà ông lựa chọn, nhưng chỉ mỉm cười khi được hỏi ông chọn ai. Tuy vậy, có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng lá phiếu của ông ủng hộ ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton, không phải là ứng viên Cộng hòa Donald Trump.
Trước chuyến thăm Chicago, trong lá thư gửi những người ủng hộ, ông Obama viết: “Trong bối cảnh hoạt động bỏ phiếu sớm đã bắt đầu ở một số bang như Iowa và Wisconsin, tất cả chúng ta, những người muốn lựa chọn bà Hillary Clinton và cho đảng Dân chủ, cần nỗ lực bằng mọi cách có thể để kết nối với những cử tri còn do dự trước khi họ bỏ lá phiếu bầu chọn tổng thống”.
Tổng thống Obama bỏ phiếu bầu sớm tại Chicago
Trong khi đó, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton đã có các chuyến đi con thoi tới các bang chiến trường chủ chốt để cố gắng vận động cử tri đăng ký và đi bỏ phiếu càng sớm càng tốt. Trưởng ban vận động tranh cử của bà Clinton, ông Robby Mook cho rằng, tại các bang chiến trường mà chúng tôi đặt trọng tâm, sẽ có ít nhất 40% cử tri đi bỏ phiếu trước ngày bầu cử.
Giới phân tích nhận định kết quả cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 2016 có thể được quyết định trước ngày bầu cử 8-11 tới. Mặc dù còn đúng 1 tháng nữa mới đến cuộc bầu cử tổng thống chính thức, nhưng hoạt động bỏ phiếu sớm đã diễn ra ở nhiều bang nước Mỹ. Những lá phiếu sớm này chỉ được kiểm vào ngày 8-11, thời điểm diễn ra bầu cử tổng thống chính thức.
Thời điểm ông Obama bỏ phiếu diễn ra trước khi bà Hillary có phiên tranh luận thứ 2 với ông Donald Trump. Thăm dò dư luận trước phiên tranh luận từ Reuters/Ipsos cho thấy, bà Hillary đang chiếm ưu thế với tỷ lệ ủng hộ là 43% trong khi ông Trump là 38%. Cuộc tranh luận được cho là một cơ hội phục thù đối với ông Trump sau phiên tranh luận đầu tiên. Mặc dù các ý kiến có vẻ nghiêng về bà Hillary sau buổi tranh luận đầu tiên, những người ủng hộ ông Trump vẫn tin rằng ông còn khả năng để thay đổi, cho dù ông không thể hiện bất kỳ mối quan tâm nào với điều đó. Ưu thế của ông Trump có vẻ nằm ở lĩnh vực kinh tế - lĩnh vực bị cho là điểm yếu của bà Hillary.
Bất an với ông Trump
Không khí sôi động của cuộc bầu cử Mỹ hiện đã lan sang nhiều nước châu Âu. Tổng thống Pháp Francois Hollande chính thức lên tiếng ủng hộ ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton, khẳng định bà là lựa chọn duy nhất cho chiếc ghế tổng thống Mỹ trong mùa bầu cử năm nay. Theo khảo sát của tờ Le Parisien, 84% người Pháp cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ quan trọng đối với tương lai của thế giới và 63% cho là có ý nghĩa đối với tương lai của nước Pháp. Còn theo trang tin USA Today, không chỉ Pháp mà các nước châu Âu khác cũng cảm thấy bất an nếu ông Trump thắng cử vì những lời lẽ quá khích của ứng viên tổng thống này.
Trong khi đó, khi căng thẳng trên chiến trường Syria chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì Washington và Mátxcơva tiếp tục tranh cãi về những vụ tấn công mạng liên quan đến kỳ bầu cử Mỹ lần này. Chính phủ Mỹ đã đổ lỗi cho Chính phủ Nga tấn công các trang mạng chính trị, trong đó có website và mạng thư điện tử của các tổ chức đảng của đảng Dân chủ, đồng thời cáo buộc các tin tặc Nga tìm cách can thiệp vào tiến trình bầu cử Tổng thống Mỹ. Phản ứng trước những cáo buộc trên, người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố cáo buộc này là vô lý.
THANH HẰNG (tổng hợp)