Ngày 12-12, trước làn sóng biểu tình phản đối kết quả bầu cử Duma quốc gia Nga đang vượt ra ngoài quy định của Hiến pháp và pháp luật Nga, Chánh án Tòa án Hiến pháp Nga Valery Zorkin kêu gọi cần có một “bàn tay sắt” để bảo vệ đất nước, vì phe đối lập bị kích động mạnh từ bên ngoài, đang tạo nguy cơ tái diễn tình hình xung đột năm 1993.
Bác yêu sách bầu cử lại
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã chỉ thị các quan chức phụ trách bầu cử của Nga kiểm tra lại các thông tin về những sai phạm tại một số điểm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga khóa VI ngày 4-12 vừa qua. Trên trang mạng xã hội Facebook, Tổng thống Medvedev tái khẳng định, người dân Nga có quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp theo hiến pháp. Người dân cũng có quyền bày tỏ quan điểm của mình.
Tuy nhiên, ông Medvedev bày tỏ không đồng tình đối với những khẩu hiệu và tuyến bố mang tính kích động của phe đối lập trong một số cuộc biểu tình vừa qua. Đối với yêu sách đòi tổ chức lại cuộc bầu cử, Tổng thống Medvedev tuyên bố không đồng ý. Tổng thống Medvedev cho biết, ông đã “ra chỉ thị xác minh tất cả những thông tin từ các điểm bỏ phiếu” về tố cáo gian lận bầu cử.
Chánh án Zorkin cho rằng trong bối cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết cần phải bảo vệ luật pháp để bảo vệ đất nước, vì phe đối lập bị kích động mạnh từ bên ngoài, đang tạo ra nguy cơ tái diễn tình hình xung đột năm 1993 với hậu quả nặng nề là máu đổ trên đường phố, trụ sở Quốc hội bị xe tăng nã pháo và tình trạng không tôn trọng pháp luật.
Phương Tây muốn làm giảm uy tín ông Putin
Ngay sau tuyên bố của Thủ tướng Nga Putin sẽ ra tranh cử tổng thống vào tháng 3-2012, phương Tây liên tục phát các tín hiệu không hài lòng. Trả lời phỏng vấn chung với kênh TV5 và Đài phát thanh quốc tế Pháp ngày 11-12, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe đã chỉ trích kế hoạch của Thủ tướng Vladimir Putin quay trở lại làm tổng thống trong cuộc bầu cử năm sau bằng việc hoán đổi vị trí cho Tổng thống Dmitry Medvedev.
Có thể thấy rằng, nội lực nước Nga mạnh lên thấy rõ suốt giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Putin (2000-2008). Người Mỹ chắc chắn không bao giờ muốn gặp nhiều khó khăn trong quan hệ với Nga như đã từng “trải nghiệm” trong những năm ông Putin làm tổng thống. Một nước Nga nhạt nhòa vẫn có lợi cho phương Tây trên các bàn cờ chính trị.
Còn nhớ những năm Tổng thống Boris Yeltsin cầm quyền, Mỹ cử hẳn một nhóm cố vấn sang Nga hỗ trợ đảng của ông Yeltsin giành chiến thắng vì lo ngại đảng Cộng sản trở lại cầm quyền và vì ông Yeltsin có ích cho phương Tây hơn.
Lần này phương Tây can thiệp mạnh bằng truyền thông. Truyền thông của họ liên tục đưa tin gian lận bầu cử và cảnh sát đàn áp người biểu tình. Có điều trớ trêu là theo Đài tiếng nói nước Nga, kênh Fox News của Mỹ chiếu khuôn hình các cảnh sát vung dùi cui đánh người trên nền những cây cọ màu xanh và gọi đó là “cảnh trấn áp biểu tình đối lập ở thủ đô Mátxcơva”, nhưng sau khi khán giả phát hiện đó là cảnh quay ở Athens, Hy Lạp hồi năm ngoái, đài này mới xin lỗi rằng mình nhầm.
Phương Tây khó có khả năng tái hiện kịch bản một cuộc cách mạng màu ở nước Nga như họ từng thành công khi việc kích động cuộc Cách mạng Hoa hồng ở Gruzia năm 2003, Cách mạng Cam ở Ukraine năm 2004 cũng như các sự kiện bạo lực dẫn đến lật đổ chính quyền ở Kyrgyzstan… Và bản thân họ cũng không muốn, bởi đảng mạnh thứ hai sau đảng UR là đảng Cộng sản Liên bang Nga, các đảng còn lại đều có rất ít ghế trong Hạ viện Nga. Vậy phương Tây can thiệp vào bầu cử Nga để làm gì? Câu trả lời là họ muốn làm giảm uy tín của ông Putin trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3-2012 vì “sợ” nước Nga trong những năm cầm quyền của ông.
| |
HẠNH CHI
>> Biểu tình lớn ở Nga sau bầu cử
>> CEC: Cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga hợp lệ
>> Bầu cử Duma Nga: Đảng Nước Nga Thống nhất dẫn đầu
>> Trước thềm bầu cử Quốc hội Nga: Đảng nước Nga thống nhất chiếm ưu thế
>> Thủ tướng Nga Putin khẳng định ông sẽ hoán đổi vị trí với Tổng thống Medvedev
>> Nga bầu cử Tổng thống vào ngày 4-3-2012