- Từ chuyện một học sinh tiểu học bị thiệt mạng oan uổng do bị bỏ quên trên xe đưa đón, mới bể ra chuyện nhiều trường tư có gắn mác “quốc tế” hóa ra là nói xạo. Không chỉ trường học, nhiều hàng hóa hay dịch vụ là đồ nội rặt, mà vẫn ráng thêm “quốc tế” hay “thế giới” cho sang.
- Tâm lý tiêu dùng sẽ quyết định việc lựa chọn mua cái này hay cái kia. Nhiều người mua chuộng những thứ hào nhoáng, nên người bán gắn nhãn cho sang. Giữa cái danh và cái thực có khoảng cách càng xa, thì sự lừa mị càng đáng kể.
- Điều này cũng xuất phát một phần từ việc người tiêu dùng bị mất lòng tin vào hàng hóa, dịch vụ nội. Vết hằn tâm lý này đâu có dễ mà mất đi?
- Nói rộng quá thì cũng khó sát, nhưng nếu từ góc độ văn hóa thị dân, thiệt ra chưa chắc người dân xứ mình đã nhắm mắt cho rằng cứ đồ ngoại mới tốt. Một bộ phim về gia đình giản dị mà sâu sắc mới đây đã khiến quá trời khán giả hít hà. Những điểm đến du lịch trong nước kiểu Hội An hay Quảng Bình, Châu Đốc ngày càng được khách nội ưa chuộng. Nhu cầu văn hóa không chỉ là thỏa cái lạ, mà người ta vẫn thích những chia sẻ hồn hậu của cái quen.
- Như vậy đâu phải cứ hào nhoáng là ngon. Số đông dân mình vẫn mong những món ăn tinh thần thuần Việt chân thực. Sơn đẹp cũng cần, nhưng cốt yếu là tốt gỗ.