Đại diện Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ cho biết, dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án) có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành phố. Bên cạnh việc góp phần chỉnh trang đô thị, tăng cường khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố và các đô thị mới phát triển, dự án còn phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua việc cường năng lực của chính quyền trong công tác tích hợp dữ liệu dùng chung cũng như việc quản lý rủi ro thiên tai, bảo vệ vùng lõi trung tâm thành phố.
Tổng nguồn vốn của dự án là 254 triệu USD. Trong đó, vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) 250 triệu USD, vốn của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế Thụy Sĩ (SECO) 4 triệu USD. Dự án gồm 3 hợp phần: Kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường; phát triển hành lang đô thị; tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến nay dự án đạt tiến độ khoảng 80%, đã hoàn thành cơ bản tuyến kè, cống, âu thuyền, trạm bơm bảo vệ dọc sông Cần Thơ, kè Cái Sơn - Mương Khai với chiều dài khoảng 10km, góp phần chống ngập cho khu vực lõi đô thị, tạo cảnh quan môi trường.
Bên cạnh các công trình, việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập (gọi tắt là FRMIS - thuộc hợp phần 3 hỗ trợ kỹ thuật dự án) đã cung cấp nhiều công cụ hỗ trợ phương pháp tiếp cận “thành phố thông minh”, hiện đại hóa và tích hợp để quản lý rủi ro ngập đô thị.
Hệ thống FRMIS gồm 4 chức năng chính như vận hành, kiểm soát nước, chống ngập; thông tin cảnh báo sớm; tạo bản đồ rủi ro ngập lụt và hỗ trợ công tác lập quy hoạch đô thị. FRMIS đã được lắp đặt liền kề với âu thuyền và cống Cái Khế.
Việc đưa FRMIS vào vận hành sẽ giúp thành phố trong thực hiện công tác điều hành quản lý thiên tai nói chung và quản lý rủi ro ngập nói riêng. Hệ thống sẽ dự báo được mức nước, lượng mưa…, từ đó mô phỏng để đưa ra cảnh báo sớm những vị trí nào sẽ ngập và vận hành đóng/mở các cống.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, đây là hệ thống thông minh và hiện đại. Để vận hành có hiệu quả, thành phố giao Sở TT-TT chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để phối hợp với các chuyên gia và chủ đầu tư sử dụng hệ thống này đạt hiệu quả cao.
“Dự án đến nay cơ bản hoàn thành, thành phố rất quan tâm việc hoàn thiện hệ thống trước 30-6 để đưa vào vận hành. Mong các chuyên gia hỗ trợ các cán bộ của thành phố trong thử nghiệm vận hành để thông thạo trước khi bàn giao hệ thống…” – ông Hiện đề nghị.