TPHCM đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước

TPHCM hiện có 16 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, có 1.331 doanh nghiệp hoạt động, với hơn 304.000 lao động. Một trong những giải pháp quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi và gắn kết hoạt động của các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước với quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng trên địa bàn thành phố là xây dựng và phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

TPHCM hiện có 16 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, có 1.331 doanh nghiệp hoạt động, với hơn 304.000 lao động. Một trong những giải pháp quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi và gắn kết hoạt động của các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước với quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng trên địa bàn thành phố là xây dựng và phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Những năm qua, Thành ủy TPHCM đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Tổ chức quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng bộ thành phố Kết luận số 80-KL/TW ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã thành lập và thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; ban hành gần 30 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận 80-KL/TW của Ban Bí thư với các chủ trương, giải pháp, chính sách cụ thể; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 80-KL/TW tại các tổ chức đảng được phân công phụ trách.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, sàn giao dịch giới thiệu việc làm, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; thường xuyên khảo sát, gặp gỡ, nắm tình hình, tâm tư đảng viên, cán bộ công đoàn, đoàn viên, hội viên, công nhân, người lao động; tổ chức họp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo địa phương với chủ doanh nghiệp lắng nghe ý kiến, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; tuyên dương các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức đảng và tổ chức chính trị - xã hội, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, chăm lo tốt cho người lao động và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Đảng ủy các Khu chế xuất và Khu công nghiệp thành phố triển khai thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển lực lượng chính trị trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao thành phố giai đoạn 2011 - 2015”; ký kết Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố với các quận ủy, huyện ủy trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, bảo đảm tình hình an ninh trật tự và xây dựng lực lượng chính trị trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn quận, huyện. 

Liên đoàn Lao động thành phố và Ban Thường vụ Thành đoàn ký kết chương trình liên tịch nhằm phối hợp xây dựng, tổ chức các hoạt động Công đoàn, Đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Hội Liên hiệp phụ nữ và Liên đoàn lao động thành phố ký kết chương trình liên tịch phối hợp tổ chức hoạt động trong cán bộ, công chức, viên chức và lao động nữ giai đoạn 2012 - 2017.

Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố có kế hoạch thành lập tổ chức hội trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, thành lập Chi hội phụ nữ trong các khu nhà trọ để tập hợp nữ công nhân cư ngụ ở địa bàn dân cư.

Thông qua các hoạt động, từng bước tạo mối quan hệ tốt và sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp; nhiều chủ doanh nghiệp nhận thức rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện, hỗ trợ để thành lập tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động trong doanh nghiệp.

Nhiều chủ doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn được kết nạp vào Đảng, đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, có ý thức và tích cực ủng hộ việc thành lập và hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị xã hội và phát triển đảng viên, đoàn viên trong doanh nghiệp.

Kết quả, tính đến ngày 30-9-2016, Đảng bộ TPHCM có 1.509 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, với 25.259 đảng viên. Trong đó, có 513 tổ chức đảng, 5.886 đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân; 132 tổ chức đảng, 1.461 đảng viên trong doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và tư nhân liên doanh với nước ngoài; 310 tổ chức đảng, 8.733 đảng viên trong doanh nghiệp có vốn Nhà nước từ 50% trở xuống; 26 tổ chức đảng, 7.778 đảng viên trong doanh nghiệp có vốn Nhà nước liên doanh với nước ngoài; 65 tổ chức đảng, 494 đảng viên trong doanh nghiệp thành lập theo Luật Hợp tác xã; 104 tổ chức đảng, 1.769 đảng viên trong các trường học, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo ngoài công lập; 22 tổ chức đảng, 223 đảng viên trong các bệnh viện, phòng khám ngoài công lập; 85 chi bộ trong các chợ, 741 đảng viên; 252 chi bộ xây dựng lực lượng, 3.558 đảng viên, trong đó có 3.221 đảng viên làm việc trong 2.322 doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng tham gia sinh hoạt.

Hiện có 256/341 (75,37%) tổ chức đảng trong doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên; có hơn 50% bí thư cấp ủy là chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp. Đã thành lập 16.101 công đoàn cơ sở trong tổng số 18.097 doanh nghiệp đủ điều kiện (đạt tỷ lệ 88,97%), với 995.956 đoàn viên công đoàn /1.215.770 lao động (tỷ lệ 81,92%); có 2.814 cơ sở đoàn TNCS Hồ Chí Minh với 67.246 đoàn viên, trong đó có 267/341 cơ sở đoàn trong doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên (chiếm tỷ lệ 78,3%).

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập còn một số mặt hạn chế, chất lượng và hoạt động của tổ chức đảng mới thành lập chưa cao, nhiều chi bộ thành lập chỉ có 3 đến 4 đảng viên, nội dung sinh hoạt chi bộ còn đơn điệu; đoàn thanh niên chưa xây dựng được các phong trào phù hợp với đặc điểm, điều kiện của các doanh nghiệp; tổ chức công đoàn chưa phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, còn bị động trong tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lao động.

Qua quá trình thực hiện, Thành ủy TPHCM rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

- Một là, phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn các tổ chức đảng trong doanh nghiệp đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt đảng; sâu sát, nắm tình hình, kịp thời hỗ trợ các tổ chức đảng và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động; tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp đồng thuận, tạo sự gắn bó, tin cậy, hợp tác giữa người quản lý doanh nghiệp với cấp ủy tại doanh nghiệp; hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp phải thiết thực, gắn liền với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, lấy hiệu quả hoạt động để vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp và người lao động.

- Hai là, tùy từng loại hình doanh nghiệp, trong Quy chế làm việc của cấp ủy, chi bộ, phải xác định rõ mối quan hệ giữa cấp ủy với người quản lý doanh nghiệp. Cấp ủy chi bộ cần phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp, chủ động phối hợp với người quản lý doanh nghiệp tham gia xây dựng và thực hiện điều lệ, quy định, quy chế làm việc, các thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động của doanh nghiệp; lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên tuyên truyền, vận động người quản lý doanh nghiệp, người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, vệ sinh môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. 

- Ba là, thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp hoạt động và chăm lo chính sách đối với cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đúc kết và nhân rộng cách làm hiệu quả, điển hình tốt.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới nhằm đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả xây dựng, chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, thời gian tới, Thành ủy TPHCM đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ phương thức tuyên truyền, tiếp cận với chủ doanh nghiệp và người lao động: Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức học tập Nghị quyết, sinh hoạt chính trị cho đảng viên, đoàn viên và quần chúng ưu tú phù hợp, linh hoạt với điều kiện, đặc thù doanh nghiệp; biên soạn các tài liệu tuyên truyền, giới thiệu về nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước theo các thứ tiếng nước ngoài thông dụng (Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật...) để các chủ doanh nghiệp là người nước ngoài dễ tiếp cận; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với chủ doanh  nghiệp, qua đó, kịp thời nắm tình hình, giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo niềm tin của chủ doanh nghiệp đối với cấp ủy, chính quyền, từ đó tạo được sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp trong việc thành lập và hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; tích cực xây dựng, phát triển tổ chức đảng và làm tốt công tác phát triển đảng viên: Biên soạn cẩm nang, tài liệu hướng dẫn sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề phù hợp với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; hệ thống hóa các quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng thành các bộ quy trình, thủ tục ngắn gọn, dễ hiểu về công tác cơ sở đảng, đảng viên giúp các cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp dễ tiếp cận, thực hiện; nghiên cứu, xây dựng quy định, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp cổ phần hóa; rà soát, thống kê danh sách đảng viên là người lao động làm việc ổn định, lâu dài tại các doanh nghiệp có tổ chức đảng nhưng đang sinh hoạt đảng tại địa phương để hướng dẫn chuyển sinh hoạt đảng về doanh nghiệp, từ đó, tăng cường lực lượng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp; quan tâm bồi dưỡng kết nạp đảng viên là công nhân, người lao động có thành tích xuất sắc, tiêu biểu, nổi bật qua các phong trào thi đua lao động sản xuất của doanh nghiệp; những cán bộ công đoàn, đoàn viên thanh niên ưu tú, cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý của doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào Đảng.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp: Liên đoàn Lao động thành phố, Thành Đoàn chủ động sơ, tổng kết rút kinh nghiệm thực tiễn để chỉ đạo xây dựng mô hình tổ chức công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phù hợp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; thường xuyên phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, năng suất - chất lượng - hiệu quả trong doanh nghiệp, trong đó phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong, gương mẫu của đoàn viên, hội viên nhằm tuyên truyền, thu hút quần chúng tham gia tích cực, đạt hiệu quả, qua đó phát hiện những nhân tố tích cực giới thiệu cho tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội; quan tâm chăm lo công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, có các biện pháp hỗ trợ giúp họ ổn định việc làm, cải thiện cuộc sống, gắn bó với doanh nghiệp và có điều kiện tham gia hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ tư, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp: Tiếp tục bố trí biên chế chuyên trách công tác đảng, công đoàn, đoàn thanh niên tại các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở, các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố; hỗ trợ kinh phí để các quận ủy, huyện ủy, Đảng ủy các Khu chế xuất và Khu công nghiệp thành phố chi bồi dưỡng cộng tác viên, xác minh lý lịch người xin vào Đảng, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên; hàng năm rà soát, điều chỉnh mức kinh phí hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, thường xuyên củng cố, kiện toàn, bổ sung về số lượng, nâng cao chất lượng, bồi dưỡng lý luận chính trị, hướng dẫn nội dung, công tác chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp hoạt động đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên làm công tác đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.

Thứ năm, phát huy tốt hơn nữa vai trò Ban Chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập trong nghiên cứu, tham mưu Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời các chủ trương, giải pháp xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể vững mạnh; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị thành viên trong tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ và trong xử lý, giải quyết nhanh, hiệu quả các vấn đề phát sinh; đảm bảo xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.  

***

Công tác xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước của Đảng bộ thành phố được Ban Thường vụ Thành ủy xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và lâu dài, đòi hỏi sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kiên trì, quyết tâm của cả hệ thống chính trị để đạt kết quả. Bên cạnh đó, chính sự hoạt động phù hợp, gắn với kết quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp của các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp sẽ tạo sự đồng thuận, tin tưởng và ủng hộ của chủ doanh nghiệp đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Võ Thị Dung
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM

Tin cùng chuyên mục