(SGGPO).- Sáng ngày 29-3, Sở Giao thông Vận tải TPHCM phối hợp Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức chương trình Hội thảo bàn về giải pháp Giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông (TNGT) giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TPHCM.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Khuất Việt Hùng, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT Quốc gia; Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM… cùng hàng chục chuyên gia trong lĩnh vực giao thông.
Phó GS.TS Hồ Thanh Phong
8g10 - Phó GS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM:
TPHCM đứng trước thách thức to lớn về cơ sở hạ tầng
Phát biểu khai mạc hội thảo Phó GS.TS Hồ Thanh Phong cho biết, sau 40 năm, giao thông thành phố đã phát triển nhanh. Tuy nhiên sự gia tăng mạnh về dân số đã đặt TPHCM đứng trước những thách thức to lớn về cơ sở hạ tầng. Hiện tượng kẹt xe, ùn tắc giao thông nghiêm trọng, nhất là giờ cao điểm... Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông TPHCM có mức tăng thấp - chỉ khoảng 2%. Năm 2011, TPHCM có khoảng 3.217km đường giao thông với diện tích 25,8 triệu m² và 989 chiếc cầu với tổng chiều dài 50.030m. Đến 2013, xây dựng mới 41,2km đường, năm 2014 có 134km đường mới và trong năm 2015, dự kiến TPHCM có thêm 34,5km đường mới.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa:
TPHCM rất mong có nhiều giải pháp thiết thực trong việc giảm ùn tắc, TNGT
TPHCM với vai trò là một trung tâm lớn về kinh tế văn hóa giáo dục và đầu tàu khoa học công nghệ có sức lan tỏa lớn cho khu vực trọng điểm phía Nam và có vị trí quan trọng của cả nước. Vì vậy, quá trình đô thị hóa phát triển rất nhanh, người dân nhập cư ở các tỉnh vào TP làm ăn sinh sống ngày càng nhiều nên số lượng xe cá nhân ngày càng tăng đã gây nên tình trạng quá tải cho toàn bộ hệ thống giao thông đô thị. Trong đó tình trạng ùn tắc và TNGT ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp.
Hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho TPHCM và ngành giao thông vận tải lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các chuyên gia, giúp cho ngành giao thông vận tải TPHCM xây dựng các chương trình hành động hiệu quả và có kế hoạch triển khai đồng bộ nhằm kéo dãn tình trạng ùn tắc giao thông và TNGT trong giai đoạn 2016 – 2020, góp phần xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đồng thời có vai trò là động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế - tài chính - thương mại, khoa học công nghệ hiện đại của khu vực Đông Nam Á.
Thành phố rất hoan nghênh Sở GTVT và Trường Đại học Quốc tế đã có nhiều cố gắng trong công tác tổ chức hội nghị này. Chúng tôi cũng rất mong có nhiều giải pháp thiết thực trong việc giảm ùn tắc, giảm TNGT giai đoạn 2016-2020.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa phát biểu tại hội nghị
8g40-Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Ngọc Đông:
Đã có những chuyển biến tích cực
Thực hiện chiến lược đảm bảo trật tự ATGT đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu ùn tắc, TNGT. Qua đó đã có những chuyển biến tích cực như số vụ TNGT, số người chết và bị thương đã giảm. Cụ thể: Trong năm 2015, xảy ra 3.712 vụ TNGT, làm chết 703 người và làm bị thương 3.302 người, so cùng kỳ 2014, giảm 626 vụ (-14,4%). Về ùn tắc giao thông, trong năm 2011, số vụ ùn tắc giao thông là 31 vụ, đến tháng 9-2015 không xảy ra vụ ùn tắc giao thông đặc biệt nghiêm trọng (trên 30 phút), tuy vậy, vẫn có 18 vụ ùn ứ giao thông xảy ra.
Việc giảm ùn tắc giao thông, TNGT là một bài toán tổng thể, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, vấn đề quan trọng trong giao thông đô thị là quy hoạch. Tiếp đến, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách được triển khai đến 2020 của thành phố phải thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao, tàu điệm ngầm… Song song đó, cần phải nâng cao chất lượng phục vụ vận tải hành khách công cộng .
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường (từ phải qua trái) trao đổi bên lề hội thảo
Vấn nạn kẹt xe tại TPHCM. Ảnh: Quang Khoa
Giới thiệu Hệ thống giám sát giao thông thông minh tại hội thảo. Ảnh: Võ Thắm
9 g - Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM:
Giao thông trên địa bàn TPHCM còn nhiều tồn tại, hạn chế
Giao thông công cộng chưa phát triển, thiếu vốn, cơ chế chồng chéo, hạn chế trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, tuyên truyền chưa hiệu quả; ứng dụng khoa học công nghệ hạn chế.
Một vụ tai nạn giao thông trên QL 1A thuộc địa bàn quận Thủ Đức. Ảnh: TL
Để triển khai phương hướng hoạt động 2016-2020, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo đảm trật tự ATGT; tiến hành nghiên cứu, đánh giá, hoàn thiện chức năng và kiện toàn một số cơ quan.
Khai thác hiệu quả kết cấu hệ thống giao thông hiện hữu, tổ chức lại giao thông một cách khoa học, nhằm giảm ùn tắc giao thông, kịp thời phát hiện các sự cố giao thông.
Rà soát đánh giá các cơ sở tập trung đông người, hiện hữu khu vực nội đô có nguy cơ gây ùn tắc giao thông để xem xét, điều chỉnh chức năng hoạt động phù hợp.
Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, qua đó xác định cụ thể danh mục công trình giao thông trọng điểm giai đoạn 2016-2020; bố trí nguồn vốn, huy động nguồn lực theo hình thức PPP, ODA, trái phiếu TP; xây dựng cơ chế đột phá trong bồi thường giải phóng mặt bằng.
Nâng cao hiệu quả vận tải hành khách và vận tải hàng hóa; quản lý nhu cầu giao thông. Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho vận tải hành khách công cộng; dành quỹ đất hợp lý cho vận tải hành khách công cộng. Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành giao thông; ứng dụng hệ thống tuyến giao thông thông minh trong giám sát và điều hành giao thông. Đặc biệt, hoàn thành trung tâm điều hành giao thông đô thị TPHCM trước năm 2020.
Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Huy động cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông; kêu gọi tuyên truyền nhân dân tích cực tham gia theo dõi giám sát và bảo vệ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Kiểm soát, xử lý nghêm vi phạm, kiên quyết lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè; tập trung lực lượng điều tiết giao thông, xử lý vi phạm TTATGT.
9g 34. TS Võ Kim Cương:
Săn tìm các mục tiêu đột phá
TS Võ Kim Cương
Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã đề ra chiến lược phát triển thành phố trong năm (2016 – 2020). Nội dung Nghị quyết Đại hội được nhiều người quan tâm nhất có lẽ là các chương trình đột phá, trong đó có chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm TNGT. Đây là kết quả của quá trình đổi mới tư duy. Bài này không đề xuất các giải pháp cụ thể để giảm ùn tắc hay TNGT, mà chỉ xin trao đổi một số ý kiến về đổi mới tư duy, quan điểm và phương pháp để triển khai thực hiện Chương trình đạt đến kết quả tốt nhất. muốn vậy cần phải săn tìm các mục tiêu đột phá của Chương trình chống ùn tắc và tai nạn giao thông. Theo đó, mười giải pháp chống ùn tắc giao thông:
1. Phát triển cầu đường
2. Phát triển giao thông công cộng
3. Cải tạo các nút tắc
4. Phân luồng tuyến hợp lý
5. Quy hoạch đô thị hợp lý (tránh tập trung đông người như trường học, chợ, nhà máy trên các trục lộ)
6. Tăng cường pháp chế
7. Tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về giao thông
8. Hạn chế phương tiện cá nhân
9. Huy động tài chính phục vụ quản lý và phát triển giao thông
10. Sắp xếp lại giờ tan tầm
Đây là mười giải pháp toàn diện, bao gồm 5 giải pháp đầu về mặt kỹ thuật và 5 giải pháp sau về mặt xã hội. Để tìm mục tiêu cụ thể cho Chương trình đột phá chống ùn tắc, thiết nghĩ cần rà soát đánh giá lại việc thực hiện các giải pháp của tất cả các đề tài đã đề ra. Qua việc rà soát đánh giá này, đối chiếu với hiện trạng ùn tắc hiện tại, chắc chắn sẽ xác định được các mục tiêu cụ thể, thứ tự ưu tiên của từng mục tiêu để có kế hoạch đột phá.
10g10 - Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM:
Một chương trình đột phá quan trọng
Chúng tôi tiếp tục được giao để tham mưu triển khai chương trình ùn tắc giao thông giai đoạn 2016- 2020. Ý thức được rằng đây là một chương trình đột phá quan trọng. Chúng tôi phải đặt vấn đề rằng phải có tư duy đột phá, tìm kiếm các giải pháp đột phá.
Hiện nay, có 7 nhóm vấn đề được đặt ra. Bảy nhóm vấn đề này sẽ tương đối đồng bộ nếu chúng ta thực hiện tốt. Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung khai thác tốt nhất cơ sở hạ tầng hiện nay. Đây là một trong những giải pháp ưu tiên. Vì đây là nhóm giải pháp tốn ít chi phí nhất và có thể triển khai làm được ngay, hiệu quả thấy rõ.
Giải pháp ưu tiên thứ 2 là tiếp tục tập trung dồn sức để phát triển vận tải công cộng, đổi mới và cải tổ lại hệ thống vận tải công cộng, trong đó chú trọng phát triển hệ thống vận tải giao thông đường thủy nội địa để góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông đường bộ. Một ưu tiên quan trọng trong quá trình triển khai là xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện, bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm. Đây là những công trình đã được xác lập trong quy hoạch giao thông đang thực hiện trong thời gian qua.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường trả lời báo chí về các giải pháp đột phá trong việc giảm ùn tắc và TNGT trên địa bàn TP
10g35 - Phó GS. TS Nguyễn Văn Hiệp - Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Đại học Bách khoa TPHCM:
Tăng mạnh xử phạt vi phạm hành chính, tối thiểu 3 lần so với hiện nay
Việc ùn tắc giao thông và TNGT không chỉ có TPHCM mà Hà Nội cũng đang trong tình trạng báo động. Một trong những nguyên nhân chính theo tôi là do người sử dụng phương tiện giao thông là chủ yếu; người kinh doanh trên đường phố, vỉa hè; không chấp hành quy định giao thông, như: rẽ tùy tiện, vượt tùy tiện, không nhường nhau…
Ùn tắc giao thông có thể không gây TNGT nhưng TNGT thường kéo theo ùn tắc giao thông. Mức độ ùn tắc khi có TNGT tùy thuộc:tính quy mô, nghiêm trọng của tai nạn, diện tích cần cô lập để xử lý sau tai nạn, giờ giấc xảy ra tai nạn, đoạn đường xảy ra tai nạn, sự can thiệp kịp thời hay không của lực lượng xử lý TNGT, tính hiếu kỳ của con người tại không gian, thời điểm đó…
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp
-Bảng chỉ đường quá nhỏ, khó nhìn thấy từ xa; bố trí bảng chỉ đường không hợp lý, chỗ cần không có, chỗ có thì quá nhỏ, hoặc viết quá nhiều thông tin, chi tiết… khiến người dân bị rối.
- Xe máy chở hàng cồng kềnh. Việc tuyên truyền là cần thiết nhưng vẫn cần giải pháp xử phạt nghiêm minh. Xe bốn bánh như xe du lịch, xe buýt, xe khách… kềnh càng, bị ép thời gian nên càng đi nhanh, dẫn đến vi phạm giao thông. Việc phạt xử lý nhiều khi lại gây ra ùn tắc giao thông, nhất là khi xảy ra tranh cãi. Một số ngã tư, việc bố trí đèn xanh đèn đó quá bất hợp lý… cũng dẫn đến ùn tắc giao thông.
Vì vậy, để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, cần phải tăng thuế lưu hành các loại xe, trừ xe vận tải hành khách công cộng. Đây không phải là hình thức tận thu mà để người dân “ngại” khi sắm xe lưu thông. Tăng mạnh mức xử phạt vi phạm hành chính, tối thiểu 3 lần so với mức hiện nay. Trước mắt sẽ gây một số đối tượng nhất là phương tiện ở địa phương khác đến, người có thu nhập thấp sẽ làm cho họ quen dần với ý thức lo sợ bị phạt mà chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Nội dung này đã được TPHCM kiến nghị từ lâu nhưng Trung ương chưa giải quyết
11g - Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn –Trường Đại học Việt Đức:
Thay đổi quan niệm về năng lực của hạ tầng và dịch vụ giao thông
Khi giải quyết ùn tắc, ô nhiễm và TNGT chúng ta thường quan niệm cơ sở hạ tầng giao thông phải đầy đủ nhưng không một nước nào trên thế giới có thể mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông để bắt kịp với sự tăng trưởng nhu cầu giao thông vận tải.
Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn
Đã đến lúc phải có quan niệm mới, đó là sự lựa chọn và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thích hợp. Khi đánh giá nănh lực của cơ sở hạ tầng, không chỉ xét đặc tính của dòng giao thông (lưu lượng xe, vận tốc) mà phải xét thêm các khía cạnh khác như mức độ tiếng ồn, ô nhiễm không khí cho phép. Sự thay đổi này dẫn đến khái niệm về quản lý giao thông hướng đến phát triển bền vững.
Quản lý giao thông toàn diện thay cho tư duy “hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân thuần túy” bởi quản lý giao thông là sự tác động đến cung và cầu giao thông vận tải thông qua các biện pháp, chính sách, nhằm tối đa hóa các hoạt động tích cực và thiểu hóa các tác động tiêu cực của các hoạt động giao thông. Trong đó tập trung 3 chiến lược cơ bản trong quản lý giao thông.
Một là chiến lược tránh nhu cầu giao thông bao gồm các biện pháp giảm tổng số chuyến đi, tổng số hành khách mỗi ngày. Hai là chiến lược thay đổi đặc tính tham gia giao thông bao gồm các biện pháp nhằm chuyển đổi phương thức đi lại, thời gian, điểm đến, tuyến đường đi. Ba là chiến lược tổ chức điều khiển giao thông bao gồm các biện pháp điều khiển sự chuyển động của dòng phương tiện giao thông nhằm nâng cao ATGT, tối đa hóa hiệu suất sử dụng cơ sở hạ tầng sẵn có.
Ngoài ra, nên thực hiện 10 nhóm giải pháp quản lý giao thông đô thị bền vững là:
- Kiểm soát nhu cầu vận tải
- Kiểm soát lựa chọn phương tiện
- Dùng thuế, phí để kiểm soát nhu cầu vận tải
- Vận hành khai thác cơ sở hạ tầng giao thông một cách linh động
- Thúc đẩy những dịch vụ di chuyển mới
- Ứng dụng giao thông thông minh ITS
- Quan tâm hàng đầu đến ATGT và ô nhiễm môi trường
- Minh bạch hóa thông tin về chất lượng dịch vụ giao thông và liên tục cải thiện
- Cung cấp nguồn tài chính đầy đủ, bền vững cho giao thông
- Khung thể chế phù hợp để quản lý vận tải đa phương thức.
11g 20 - TS Huỳnh Thế Du – Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright:
TPHCM cần có “đội đặc nhiệm” để giảm ùn tắc giao thông
Việc Sở GTVT TPHCM đề ra đồng bộ các giải pháp là cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi cần phải đưa ra những giải pháp ưu tiên, mang tính đột phá nhưng phải gắn liền với chỉnh trang đô thị. Để tập trung đột phá trong việc giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM, cần một cách tiếp cận và triển khai hoàn toàn mới là tập trung nguồn lực cho việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng thay vì xây thêm đường như hiện nay.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du. Ảnh: Võ Thắm
Nếu điều này không được xem là một ưu tiên và giải quyết một cách căn cơ thì khả năng cao trong 5-10 năm tới TPHCM sẽ trở thành bãi đậu xe khổng lồ như một số thành phố trên thế giới đã trải qua như Bangkok, Jakarta.
Nhất quán trong các chính sách nhằm đảm bảo phát triển đô thị nên tập trung vào những nơi đã phát triển, hạn chế phát triển đô thị phân tán với mật độ thấp và phải giữ bằng được vành đai xanh của thành phố. Kinh nghiệm của các thành phố có sức cạnh tranh và có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả cho thấy, chỉ nên tập trung phát triển với mật độ cao ở lõi thành phố trong phạm vi khoảng 600km² như Tokyo 623km²; Seoul 605km²; Singapore 710km²… Do vậy, TPHCM nên ưu tiên tập trung mật độ vào khu vực hiện hữu 494km² và hạn chế việc mở rộng, phát triển nhảy cóc ở những vùng ven bằng giải pháp vành đai xanh sáng tạo.
Tăng cường vai trò của xe buýt bằng giải pháp tăng số lượng xe gấp 2-3 lần trong 5-10 năm tới. Phải cải cách lại cách vận hành hệ thống xe buýt và chuẩn bị vận hành tích hợp hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Hạn chế việc sử dụng các phương tiện cá nhân, nhất là xe ô tô bằng các chính sách làm gia tăng chi phí sử dụng (các loại thuế và phí) và giảm tiện nghi không cho đỗ xe trên đường hay không cho sử dụng một số tuyến đường…
Để làm được điều này, TPHCM cần thành lập “đội đặc nhiệm” giảm ùn tắc giao thông. Có như vậy, TPHCM mới thực sự đột phá trong việc giảm thiểu ùn tắc, TNGT về lâu dài. Đây cũng là một đột phá, mang tính quyết đến giao thông nói riêng, sức cạnh tranh và tính đáng sống của TPHCM trong tương lai. Do vậy, TPHCM cần có quyết định táo bạo với sự chuẩn bị chu đáo.
11g40 - Tổng kết hội thảo, ông Bùi Xuân Cường Giám đốc Sở GTVT TPHCM:
Hội thảo là cơ hội để TPHCM lắng nghe các chuyên gia hiến kế
Thông qua hội thảo, có rất nhiều giải pháp, ý kiến đột phá. Chúng tôi xin tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý của chuyên gia giao thông. Từ các ý kiến này, Sở GTVT TPHCM sẽ tổng hợp trình lãnh đạo Thành ủy TPHCM để xây dựng chương trình nằm trong 7 chương trình đột phá của TP giai đoạn 2016 -2020.
Nhóm phóng viên - Ảnh: Cao Thăng
Video clip: Quang Khoa - Võ Thắm