Ngày 7-5, UBND TPHCM đã long trọng tổ chức lễ công nhận TPHCM hoàn thành phổ cập bậc trung học (PCBTH) giai đoạn 2006 - 2010 với kết quả 24/24 quận huyện đạt chuẩn, tỷ lệ 100%. Thành quả có được là nhờ sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của Thành ủy, UBND TPHCM, sự kiên trì vươn lên, vượt qua những khó khăn của các ban ngành, sự đồng thuận của cộng đồng xã hội và gia đình các em học sinh. Trao đổi với PV Báo SGGP, Tiến sĩ Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết:
Công tác PCBTH là một việc làm hết sức ý nghĩa nhằm nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng cuộc sống. TPHCM đã đạt được những kết quả quan trọng, từ đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ đến phổ cập tiểu học năm 1995, phổ cập THCS năm 2002 và đến nay 24/24 quận huyện đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập bậc trung học giai đoạn 2006 - 2010, đạt tỷ lệ 100%. Số thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 21 có bằng tốt nghiệp phổ thông đạt 80%. Kết quả này thực sự là một niềm vui lớn của những người làm giáo dục và thành phố vì đây là cả quá trình phấn đấu kiên trì, bền bỉ, quyết tâm khắc phục khó khăn.
° Phóng viên: Đối với những địa phương gặp nhiều khó khăn, Sở GD-ĐT có biện pháp hay kế hoạch hỗ trợ gì không, thưa ông?
° TS HUỲNH CÔNG MINH: Trong 24 quận, huyện, mỗi địa phương có những thuận lợi và khó khăn riêng. Nhưng chúng tôi nhận thức được quận, huyện nào thiếu thốn trường lớp (đặc biệt thiếu trường trung học) và địa phương có hệ thống giao thông đi lại còn khó khăn thì công tác này chưa thực sự đảm bảo. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên đến làm việc cụ thể với cấp ủy và ban chỉ đạo phổ cập tại địa phương để cùng tìm những biện pháp giải quyết, tháo gỡ và thúc đẩy công tác phổ cập đảm bảo được tiến độ chung.
Ví dụ, tìm chỗ học cho học sinh, trong đó có giải pháp phân luồng cụ thể. Thay vì học tiếp lên THPT, các em học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên hay các trường trung cấp chuyên nghiệp. Chẳng hạn như huyện Cần Giờ dù khó khăn nhưng cũng làm tốt công tác phổ cập, tất cả các xã, thị trấn đều đạt chuẩn vào tháng 12-2009.
° Để hoàn thành được công tác phổ cập bậc THPT không phải là điều dễ dàng. Trong quá trình thực hiện phải vượt qua những cản ngại nào?
° Khó khăn lớn nhất là những đối tượng phổ cập bậc THPT thường nằm ở độ tuổi lao động, có khi bản thân người đó lại là lao động chính của gia đình. Việc học hành, họ đã bỏ một thời gian dài. Những yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến công tác vận động của các địa phương.
Thêm vào đó để việc học tập của học viên đạt kết quả, đội ngũ thầy cô giáo phải nỗ lực hết sức trong bối cảnh thu nhập còn thấp và nhiệm vụ đó là vô cùng nặng nề. Thế nhưng, với sự quyết tâm của đội ngũ, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương cùng với sự vận động của các ban ngành, đoàn thể và sự đổi mới phương pháp dạy học của nhà trường đã từng bước thu hẹp dần tỷ lệ những học viên bỏ học. Số lượng được cấp bằng tốt nghiệp trung học tăng cao đáp ứng chỉ tiêu theo chuẩn phổ cập.
| |
° Nhiều ý kiến băn khoăn liệu kết quả đạt được hôm nay có đúng với thực chất không, thưa ông?
° Tôi khẳng định rằng đây là một kết quả đúng với tiêu chuẩn phổ cập đã đặt ra (duy trì được chuẩn phổ cập THCS, thanh thiếu niên từ 18 - 21 tuổi có bằng tốt nghiệp THPT hoặc trung học chuyên nghiệp từ 75% trở lên..). Bởi kết quả này là sự phấn đấu nỗ lực, kéo dài trong 10 năm nhằm nâng cao chất lượng phổ cập bậc tiểu học, THCS để có được PCBTH.
Thành phố đã có điều kiện toàn diện hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô giáo, đổi mới phương pháp giảng dạy. Đây cũng là kết quả thể hiện sức mạnh tập thể của 3 môi trường: gia đình - nhà trường - xã hội.
° Làm sao để duy trì, giữ vững kết quả này một cách bền vững?
° Kinh nghiệm cho thấy ở thế hệ học sinh này, kết quả đạt được nếu không kiên trì phát huy thì thế hệ sau giảm đi. Cho nên, để kết quả PCBTH được bền vững, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục phấn đấu nâng cao tỷ lệ học nghề, chuyên nghiệp trong thanh thiếu niên và nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Kinh nghiệm để phổ cập giáo dục bền vững nhất là phải xây trường để các em có đủ chỗ học, đáp ứng việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10.
° Xin cảm ơn ông!
LÊ LINH