>> Người tiêu dùng sẽ truy xuất được nguồn gốc thịt heo
(SGGPO).- Sáng 8-12, Sở Công thương TPHCM đã công bố lùi thời gian triển khai thực hiện Đề án Quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo đến ngày 16-12, thay vì ngày 10-12-2016 như kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương, mong muốn của TPHCM là phải đưa đề án vào hoạt động sớm nhưng gần đến ngày triển khai đã phát sinh khá nhiều vấn đề cần phải xử lý, trong đó chủ yếu là về kỹ thuật.
Quầy bán thịt heo VietGAP tại chợ Hòa Bình, quận 5
Cũng theo ông Hòa, việc triển khai đề án theo công nghệ thông tin nên tất cả các chủ thể tham gia từ trang trại, lò giết mổ đến điểm bán, đặc biệt là bộ phận thú y đều phải trang bị các thiết bị chuyên dụng. Nhưng do phải đặt mua từ nước ngoài, cần thời gian vận chuyển rồi cài đặt phần mềm, cũng như thử nghiệm nhuần nhuyễn các thao tác trước khi triển khai đồng loạt… nên đề án đã không thực hiện đúng như tiến độ. Riêng khâu tổ chức tập huấn cho các trang trại, lò giết mổ và DN phân phối đã hoàn thành trong ngày hôm qua 8-12. Đường dây nóng của đề án đã bắt đầu hoạt động để hỗ trợ kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Về cách thức triển khai cũng sẽ không thực hiện đồng loạt tại các chợ đầu mối và 4 chợ bán lẻ như kế hoạch ban đầu, thay vào đó, Ban quản lý đề án sẽ chọn kênh phân phối hiện đại để triển khai trước. Theo ông Hòa, hiện hầu hết các kênh phân phối hiện đại (gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm) đều đã đăng ký tham gia đề án với 346 điểm bán, chiếm khoảng 20% thị phần thịt heo tại TPHCM. Chỉ còn lại 2 kênh là Metro và VinMart chưa đăng ký tham gia vì một số lý do. Sở Công thương đang có kế hoạch làm việc với 2 hệ thống này. Khi các kênh phân phối hiện đại thực hiện tốt, sẽ tính đến bước thứ 2 là thực hiện truy xuất tại các chợ đầu mối. Theo tính toán của ông Hòa, nếu triển khai thực hiện được tại chợ đầu mối, xem như thành phố đã kiểm soát được khoảng 80% lượng thịt heo bán lẻ tại các chợ truyền thống.
Về chăn nuôi, đã có 60 cơ sở đăng ký tham gia, với sản lượng cung ứng tối đa lên đến 10.000 con/ngày, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng thịt heo của người dân TPHCM. Bên cạnh đó, còn có 18 cơ sở giết mổ tham gia, trong đó có 5 cơ sở giết mổ tại TPHCM công suất 5.000-6.000 con/ngày, chiếm 70%-75% nhu cầu.
Theo kế hoạch, vào đêm 14-12, Ban quản lý sẽ có buổi tổng duyệt việc chạy thử đề án tại Công ty Vissan, sáng ngày 16-12 sẽ chính thức triển khai tại Siêu thị Co.opmart Foodcosa, quận Gò Vấp.
Hải Hà