Giải pháp nào để giải quyết tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay? Ngành giáo dục TPHCM sẽ có những bước chuẩn bị, thực hiện thế nào để chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan trên địa bàn? Đó là nội dung được đặt ra trong chương trình “Lắng nghe và trao đổi” tháng 9-2016 với chủ đề “Dạy thêm - học thêm” do HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức vào sáng 11-9.
Chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề “Dạy thêm học thêm”, diễn ra sáng 11-9
Chấm dứt dạy thêm xuất phát từ nhu cầu ảo
Trao đổi tại buổi đối thoại, GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, dạy thêm, học thêm (DT, HT) hiện nay xuất phát từ hai hình thức nhu cầu rất khác nhau trong xã hội. Loại thứ nhất là nhu cầu thực tế, là hình thức chiếm đa số trong xã hội, gồm các nhu cầu bồi dưỡng kiến thức cho học sinh yếu, kém; bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh giỏi; tăng cường các tiết rèn luyện kỹ năng, giải bài tập do chương trình giáo dục chính khóa chưa giải quyết được; đáp ứng yêu cầu của các cuộc thi xét tuyển đầu cấp và kéo dài thời gian trẻ ở trường để phụ huynh kịp giờ đưa đón. Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận học sinh học thêm xuất phát từ loại nhu cầu thứ hai là nhu cầu ảo, tức là học sinh bị giáo viên lôi kéo, trên lớp “dạy không hết chữ”, đem học trò về nhà mở lớp dạy riêng để kiếm thêm thu nhập. Số trường hợp này tuy không nhiều nhưng đã tạo bức xúc lớn trong xã hội, gây ảnh hưởng đến những trường hợp giáo viên dạy thêm đàng hoàng, vì mục đích chính đáng của học sinh.
TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM chỉ ra thực tế là chính việc DT, HT tràn lan hiện nay đã tạo thói quen xấu cho học sinh TP là ngại tự học, xem việc học như lao động khổ sai, học cho cha mẹ. “Đáng lẽ mỗi ngày đến trường là một ngày vui thì học sinh bây giờ chỉ mong hết giờ học ở trường và học thêm tại trung tâm để được xem là một đứa trẻ bình thường”, TS Hồ Thiệu Hùng bày tỏ.
Từ thực tế đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu giải thích, quy định cấm DT, HT của UBND TP là cấm những trường hợp dạy thêm trước chương trình, dạy thêm bắt nguồn từ sự o ép, không xuất phát từ nhu cầu chính đáng của học sinh. Ngược lại, những trường hợp học sinh muốn được phụ đạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, có thêm thời gian luyện tập để nắm vững kiến thức thì vẫn được hoan nghênh, không bị cấm đoán.
Ngoài ra, theo Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định Nguyễn Thị Thu Cúc, mục tiêu chương trình giáo dục hiện nay hướng đến việc đào tạo học sinh có khả năng tự học, tự nghiên cứu. Song, một khi cái gốc vấn đề là nội dung chương trình, sách giáo khoa còn quá nặng nề, cơ chế thi cử nghiêng về kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức hơn đánh giá năng lực vận dụng, kỹ năng xử lý vấn đề của học sinh, thì tình trạng “học tủ, học vẹt” vẫn tái diễn, và học sinh buộc phải đi học thêm. Song song đó, các yếu tố như sĩ số học sinh/lớp hiện nay quá đông, mô hình dạy học 2 buổi/ngày còn hạn chế, đời sống giáo viên chưa được cải thiện… cũng là những nguyên nhân khiến căn bệnh DT, HT chưa có thuốc đặc trị.
Cải thiện đời sống, thu nhập giáo viên
Tháo gỡ bài toán về thu nhập giáo viên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, TPHCM hiện nay đã dành hơn 28% ngân sách chi cho giáo dục. Nhưng với số lượng hơn 80.000 giáo viên đang hưởng lương từ nguồn chi ngân sách này thì chưa thể cải thiện, nâng cao thu nhập đời sống giáo viên trong một sớm một chiều. Do đó, Sở GD-ĐT TP đề nghị các đơn vị đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa như xây dựng mô hình trường tiên tiến, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng để tăng thu nhập cho giáo viên, tránh tình trạng phụ thuộc hoàn toàn nguồn chi ngân sách và bao cấp tràn lan hiện nay. Ngoài ra, nhiều năm qua, Sở GD-ĐT cũng chỉ đạo các trường thành lập ngân hàng đề thi chung để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh tình trạng giáo viên lợi dụng DT, HT để học sinh có học thêm của mình biết trước đề thi, tạo sự không công bằng giữa học sinh có đi học thêm và học sinh không học thêm giáo viên đó; hướng dẫn giáo viên xây dựng bài giảng phù hợp từng đối tượng, trình độ học sinh.
Về đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức của học sinh, TS Hồ Thiệu Hùng đề xuất một số giải pháp như các trường mở các chương trình luyện thi, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ học tập miễn phí, sử dụng kho học liệu mở trên mạng, tăng cường dạy học 2 buổi/ngày phối hợp với nhiều giải pháp kéo giảm sĩ số học sinh giúp học sinh phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết TP sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh học sinh và người dân TP để có hình thức quản lý phù hợp trên cơ sở trân trọng tâm huyết, tấm lòng của đội ngũ thầy cô giáo muốn đem tri thức, kiến thức đến gần hơn với học sinh. TP sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn về đời sống, thu nhập giáo viên, đặc biệt giáo viên ở các huyện ngoại thành; quản lý chặt về thời gian, điều kiện hoạt động của các trung tâm dạy thêm ngoài trường học; tạo điều kiện cho giáo viên tái tạo sức lao động, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh toàn TP…
Thống kê hiện nay, TPHCM có khoảng 100.000 học sinh tiểu học (chiếm tỷ lệ 20%) học thêm văn hóa ngoài giờ chính khóa, hơn 190.000 học sinh trung học (THCS, THPT) đang tham gia học thêm tại cơ sở dạy thêm trong nhà trường và 30.000 học sinh tham gia học tập tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường. |
Minh Quân