Thời gian gần đây, sau khi ngành giao thông vận tải TPHCM triển khai nhiều biện pháp nhằm giải quyết những điểm nóng ùn ứ giao thông, tình hình đã chuyển biến thấy rõ.
Trước tình hình giao thông bị ùn ứ tại một loạt điểm nóng trên địa bàn TPHCM (Báo SGGP đã phản ánh trong chuyên trang ATGT số ra ngày 12-10-2015), ngành giao thông vận tải thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp trước mắt để hạn chế, trong đó tập trung tổ chức điều chỉnh phân luồng giao thông tại các điểm nóng như tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; tiểu đảo dẫn hướng tại vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm; cải tạo vỉa hè, mở rộng lòng đường khu vực giao lộ Bình Giã để giải quyết vị trí thắt cổ chai tại nút giao Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám; lắp đặt camera quan sát giao thông tại ngã tư Thủ Đức nhằm kịp thời thông báo cho các lực lượng liên quan xử lý khi xảy ra ùn xe; tăng cường lực lượng điều tiết giao thông kết hợp điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu cho hợp lý tại nút giao An Phú…
Lưu thông tại ngã tư Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám đã có chuyển biến tích cực. Ảnh: CAO THĂNG
Những nỗ lực điều chỉnh của ngành giao thông vận tải thành phố đã đem đến một số kết quả tích cực. cụ thể là nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Kể từ ngày 24-9-2015, nút giao này đã được điều chỉnh tổ chức giao thông theo nguyên tắc phân luồng mới để hạn chế tình trạng ùn ứ giao thông tại đây. Theo đó, phương tiện lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh từ hướng cầu Phú Mỹ về nút giao sẽ không được rẽ trái tại giao lộ mà phải chạy lên phía trước một đoạn 200m nữa để rẽ trái tại nơi mở mới. Tương tự, xe tải từ hướng quốc lộ 1 về nút theo đường Nguyễn Văn Linh sẽ không được rẽ trái ngay tại nút mà phải chạy tiếp lên giao lộ với đường Nguyễn Phan Chánh mới được rẽ. Gần như ngay lập tức, tình trạng ùn ứ tại đây đã được giải quyết.
Trước những chuyển biến khả quan này, ngành giao thông vận tải thành phố cho biết về lâu dài sẽ có những biện pháp giải quyết triệt để, trong đó sẽ đầu tư phát triển sâu rộng cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn như tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, sẽ có 3 tầng giao thông gồm xây dựng hầm chui dành cho xe đi thẳng trên đường Nguyễn Văn Linh và cầu vượt dành cho phương tiện rẽ trái. Tương tự, tại điểm nóng giao thông tại ngã tư An Sương sẽ được giải quyết bằng phương án làm hầm chui theo hướng từ quốc lộ 22 đến Trường Chinh. Theo các chuyên gia, nếu thực hiện được điều này, cơ quan chức năng cũng sẽ nghiễm nhiên giải quyết luôn được điểm đen trên tuyến.
Trong khi đó, điểm nóng trên quốc lộ 1A suốt từ ngã tư An Sương cho đến An Lạc hiện nay đã bị quá tải. Năng lực thiết kế của tuyến là dành cho 10.000 xe ngày đêm nhưng thực tế hiện nay là khoảng 50.000 xe ngày đêm, tức hơn gấp 5 lần năng lực vốn có. Các chuyên viên cho biết để giải quyết triệt để tuyến đường nóng này thì cần có đường trên cao. Trước mắt Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 đã trình lên Sở Giao thông Vận tải phương án cho mở rộng làn xe 2 bánh mỗi bên thêm 3m kết hợp tích hợp hệ thống biển báo và đèn tín hiệu đặt tại các giao lộ để người tham gia giao thông dễ quan sát.
Tại điểm nóng ở giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo, giải pháp trước mắt được ngành giao thông vận tải thành phố đề ra là cấm ô tô khách từ 30 chỗ ngồi trở lên lưu thông qua cầu Nguyễn Văn Cừ theo hướng từ quận 5 về quận 8 trong khung thời gian từ 6 đến 9 giờ sáng và từ 16 đến 19 giờ chiều. Về lâu dài sẽ xây dựng cầu nhánh để kết nối đường Võ Văn Kiệt với cầu Nguyễn Văn Cừ theo cả hai phía, tức là xây dựng 2 nhánh cầu nối. Biện pháp này được các chuyên gia đánh giá là sẽ giúp giảm áp lực giao thông không chỉ tại giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ mà còn cho cả giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu gần đó.
Chuyển sang địa bàn quận Gò Vấp, một trong số các điểm nóng giao thông hiện nay tại đây là cụm khu vực trung tâm quận, bao gồm các địa danh quen thuộc như ngã sáu Gò Vấp, khu vực cầu Hang trong và ngã năm Nguyễn Thái Sơn (thực tế đã là ngã bảy khi có thêm đoạn đường Phạm Văn Đồng mới vừa nối kết tới sân bay Tân Sơn Nhất). Cụm khu vực này đã ngày càng trở nên quá tải về giao thông do nhiều nguyên nhân: đây là nơi hội tụ các tuyến đường chính của quận dẫn vào trung tâm thành phố, như đường Quang Trung, Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Văn Nghi; đoạn bị thắt cổ chai trên đường Phan Văn Trị từ cầu Hang trong cho đến đường Phạm Văn Đồng… Giải pháp cho điểm nóng này là ngoài việc mở rộng đường Phan Văn Trị và xây dựng cầu Hang trong mới, Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 cũng đã đề xuất xây dựng luôn cả cầu Hang ngoài mới để làm thông thoáng cho tuyến Lê Quang Định - Nguyễn Văn Nghi.
THIỆN NHÂN