(SGGP).- Ngày 23-8, Thành ủy TPHCM đã nghe báo cáo chuyên đề về đánh giá sức cạnh tranh của TPHCM và gợi ý định hướng chiến lược phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2045.
Tham dự có các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Võ Văn Thưởng; Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ, TPHCM. Ảnh: Quang Khoa
Theo nhóm tác giả nghiên cứu về sức cạnh tranh của TPHCM, so với các địa phương trong cả nước, TPHCM có vị trí cạnh tranh vượt trội, nhưng so sánh với 12 thành phố hàng đầu trong khu vực là Tokyo, Hongkong, Singapore, Seoul, Beijing, Shanghai, Taipei, Kuala Lumpur, Bangkok, Mumbai, Jakarta và Manila thì TPHCM hiện có vị trí thấp nhất.
Theo TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ ngành chính sách công thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đến thời điểm 2025, nếu có sự quyết tâm cao dựa trên sự đồng lòng của chính quyền và người dân TP; sự hợp tác chặt chẽ của các địa phương trong vùng; có tháo gỡ quan trọng về cơ chế, chính sách hoặc tạo điều kiện để TP thực hiện mô hình chính quyền đô thị thì khả năng TPHCM đuổi kịp Bangkok về các mặt. Một khi đã chọn được hướng đi phù hợp thì đến 2045, khả năng TPHCM trở thành một TP cạnh tranh trong khu vực và vươn ra thế giới là khả dĩ. Do vậy, giờ đây TPHCM cần định vị và xác định mục tiêu cụ thể để sau một thập kỷ nữa sẽ có được những nền tảng của các TP xếp hạng trung bình trong khu vực.
Để cải thiện khả năng cạnh tranh, nhóm nghiên cứu cho rằng một trong những yếu tố là TPHCM phải thực hiện bằng được liên kết vùng. “Các địa phương lân cận là nền tảng rất tốt để mở rộng, tối ưu hóa nguồn lực và tiềm năng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của TP. Do vậy, liên kết vùng là việc cần làm ngay” - TS Huỳnh Thế Du lý giải.
Các ý kiến khác cũng cho rằng TPHCM cần xác định trở thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh toàn cầu. Các nhóm dịch vụ được nhắm tới là: nơi đặt các trụ sở quốc tế và phối hợp hoạt động của các công ty toàn cầu, trung tâm dịch vụ tài chính, nghiên cứu và phát triển phần mềm, nghiên cứu về khoa học đời sống…
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Võ Văn Thưởng cho rằng việc xác định tầm nhìn dài hạn, mục tiêu ngắn hạn và trung hạn, đặc biệt là khơi thông sức dân để phát triển TP, là vấn đề quan trọng nhất.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nhắc lại câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra và cũng là câu hỏi mà lãnh đạo TP các thời kỳ luôn canh cánh, đó là làm thế nào để TPHCM phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế; xứng với niềm tin cậy của cả nước; xứng với mong muốn của người dân. Theo đồng chí, điều quan trọng là hành động để giải quyết có hiệu quả những vấn đề cụ thể cho từng nhiệm kỳ và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trung, dài hạn. TPHCM hiện có cơ hội làm ăn rất nhiều nhưng TP lại chưa phải là nơi có môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất. Do đó, TPHCM phải hành động để 300.000 doanh nghiệp thấy được rằng có sự khơi thông hiệu quả nguồn lực, tháo gỡ tốt nút thắt về cơ chế mà an tâm đầu tư, phát triển. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, TP đặt chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo tính hiệu quả, hiệu lực hoạt động, thực thi công vụ của bộ máy quản lý nhà nước. Đây là lần đầu tiên TP đặt vấn đề về năng lực quản lý của bộ máy chính quyền: phấn đấu TP trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAR-index (Chỉ số cải cách hành chính).
“Cảm nhận của người dân đối với bộ máy nhà nước và hoạt động của cán bộ công chức là một cảm nhận rất quan trọng mà lãnh đạo TP không thể bỏ qua, điều đó minh chứng cho mục tiêu: ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác” - đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Hồng Hiệp