(SGGP).- Ngày 31-10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có cuộc làm việc với Viện Pasteur TPHCM và các đơn vị liên quan nhằm khẩn trương triển khai các giải pháp hạn chế sự phát triển của dịch bệnh nguy hiểm này.
Virus Zika làm trẻ em mắc triệu chứng đầu nhỏ
Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, tính đến ngày 31-10, qua tầm soát đã ghi nhận số ca mắc virus Zika có chiều hướng gia tăng mạnh, hiện toàn TPHCM đã phát hiện 17 trường hợp mắc virus Zika.
Các ca bệnh đều được phát hiện thông qua hệ thống giám sát dịch bệnh mà Sở Y tế TPHCM đã triển khai về các cơ sở y tế địa phương…
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu yêu cầu Viện Pasteur TPHCM phối hợp cùng ngành y tế TPHCM và các tỉnh, nhất là Bình Dương, Long An nhanh chóng triển khải các giải pháp hạn chế sự ảnh hưởng của virus Zika. Cục Y tế dự phòng đánh giá TPHCM là địa phương đông dân cư và đang trong mùa cao điểm của bệnh dịch sốt xuất huyết, vốn có cùng đường truyền bệnh với virus Zika là muỗi vằn, nên việc phát sinh thêm các trường hợp nhiễm virus Zika là không thể tránh khỏi. Vì vậy, Sở Y tế TPHCM và các đơn vị liên quan cần nhanh chóng phối hợp thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, liên tục quản lý, giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh do virus Zika trên địa bàn thành phố, tiếp tục tăng cường vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng tại các khu dân cư và hộ gia đình, không để phát sinh các ổ dịch bệnh mới. Đặc biệt, cần tập trung tư vấn, tầm soát, tìm các biện pháp bảo vệ phụ nữ mang thai trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.
Tính đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 23 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó các tỉnh có ca mắc là: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Đắk Lắk.
TƯỜNG LÂM