TPHCM thí điểm giữ trẻ 6-18 tháng tuổi: Ngổn ngang trăm mối

Trước nhu cầu gởi con quá lớn của người dân trên địa bàn, TPHCM đã quyết định triển khai thí điểm các lớp giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi trong hệ thống trường công lập trên địa bàn 8 quận, huyện ngoại thành gồm: quận 7, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi, Thủ Đức, Tân Phú và Nhà Bè, bắt đầu từ năm học 2014-2015. Từ bây giờ đến đó, thời gian chuẩn bị chỉ còn chưa đầy 6 tháng với không ít nỗi lo làm sao để việc triển khai thí điểm mang lại hiệu quả?
TPHCM thí điểm giữ trẻ 6-18 tháng tuổi: Ngổn ngang trăm mối

Trước nhu cầu gởi con quá lớn của người dân trên địa bàn, TPHCM đã quyết định triển khai thí điểm các lớp giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi trong hệ thống trường công lập trên địa bàn 8 quận, huyện ngoại thành gồm: quận 7, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi, Thủ Đức, Tân Phú và Nhà Bè, bắt đầu từ năm học 2014-2015. Từ bây giờ đến đó, thời gian chuẩn bị chỉ còn chưa đầy 6 tháng với không ít nỗi lo làm sao để việc triển khai thí điểm mang lại hiệu quả?

Một lớp giữ trẻ tại nhóm trẻ tư thục Thỏ Trắng trên địa bàn phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM.

Một lớp giữ trẻ tại nhóm trẻ tư thục Thỏ Trắng trên địa bàn phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM.

Chạy đua tiến độ

Thiếu hụt trường mầm non công lập và “khát” chỗ học cho trẻ từ 6-18 tháng tuổi là hai bất cập được hầu hết địa phương đưa ra tại buổi làm việc với đoàn đại biểu HĐND TP về công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Điều đó đã và đang đặt ra bài toán chung cho TP về công tác quản lý và quy hoạch mạng lưới trường, lớp. Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2014 TPHCM đã có 33 trường mầm non mới được thành lập, nâng tổng số trường mầm non trên địa bàn từ 870 lên 903 trường. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực, song vẫn chưa thể đáp ứng nổi nhu cầu gởi con của người dân, đặc biệt là chỗ học cho trẻ từ 6-18 tháng tuổi. Từ nay đến cuối năm 2014, TPHCM sẽ có thêm nhiều chính sách ưu tiên cho cá nhân vay vốn, đẩy mạnh tiến độ xây dựng trường. Ngoài ra, lãnh đạo TP cũng vừa thông qua quy định giao thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây mới trường học có tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng cho UBND quận, huyện. Đây được xem là một trong những tín hiệu “bật đèn xanh”, giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường, đáp ứng chỗ học cho người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, nếu vì sức ép nhu cầu mà TP tiến hành vội vàng các dự án xây dựng trường sẽ tạo nên lãng phí lớn. “Thà triển khai chậm một chút mà xây trường nào ra trường đó, tránh tình trạng xây trường nhỏ, giải quyết cái khó tạm thời nhưng vài năm nữa nhu cầu tăng, lại phải đập ra xây lại. Đặc biệt đối với các dự án xây dựng trường học có tổng diện tích dưới 1.000m2 nên để tư nhân thuê đất, đầu tư sẽ hiệu quả hơn lấy vốn từ ngân sách nhà nước”, ông Hùng bày tỏ. Riêng đối với các dự án xây dựng trường tại các KCX-KCN, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết: “Tất cả KCX, KCN được Bộ Xây dựng phê duyệt đều không có quỹ đất xây dựng các công trình phục vụ tiện ích cho người lao động. Vì thế, việc tìm quỹ đất trong các KCN, KCX xây dựng trường mầm non rất khó. TP hiện đang phải giải quyết tạm thời bằng cách lấy mảng cây xanh, diện tích đất công viên xây dựng trường học”. Nhờ cách làm đó đã có 22 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non được triển khai với tổng quỹ đất hơn 46.000m2. Trong đó, 5 dự án đã đi vào hoạt động, 3 dự án đang trong quá trình triển khai thủ tục pháp lý và 14 dự án đã xác định được quỹ đất đầu tư, dự kiến đáp ứng khoảng 5.500 chỗ học cho trẻ mầm non. 

Phát huy mọi nguồn lực

Mới đây, tại buổi họp giữa các sở, ngành và đại diện 5 tỉnh, thành phố lớn là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ và Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Lê Tuyển Cử, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho biết, hiện nay trong tất cả văn bản quy định, nghị định của Chính phủ đều ghi rõ “địa phương nào có KCN hoạt động trên địa bàn phải có trách nhiệm xây dựng trường”. “Chúng ta không thể đổ hết trách nhiệm cho doanh nghiệp. Nếu yêu cầu doanh nghiệp xây dựng trường sẽ tăng thêm chi phí đầu tư cho họ, giảm tính cạnh tranh của việc đầu tư vào thị trường Việt Nam. Thay vào đó, các địa phương nên vận động nhà đầu tư chung tay góp sức, tạo thêm cơ chế khuyến khích giúp doanh nghiệp chia sẻ áp lực xây dựng trường với địa phương”, ông Cử đề nghị. Ngoài ra, theo đề xuất của nhiều địa phương, nhà nước phải có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư tham gia xây dựng trường, nhất là những trường giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi phải bằng hoặc lớn hơn các chính sách đầu tư cho hệ thống trường công. “Thay vì với trường công, ngân sách phải bỏ ra toàn bộ chi phí xây dựng và vận hành thì với các trường tư, chúng ta không mất tiền xây dựng. Chỉ cần bỏ ra một khoản hỗ trợ cộng thêm một số chính sách ưu đãi về giá thuê đất, thủ tục mở trường là có thể phát huy nguồn lực đầu tư vào việc lấp đầy nhu cầu giáo dục”, một lãnh đạo Bộ Kế hoạch – Đầu tư bày tỏ.

Song để làm được điều đó cần có một cái nhìn dài hơi, xác định nhu cầu thực tế ở mỗi địa phương, nên và không nên dành đất ưu tiên cho nhóm đối tượng nào, từ đó mới có thể đề ra kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể. Có thể thấy việc triển khai thí điểm giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi chỉ là cách làm chữa cháy tạm thời sau nhiều năm giáo dục công “bỏ quên” nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, nếu chỉ mãi “hụt đâu lấp đó” trong khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng sẽ dẫn đến tình trạng chắp vá. Nói như ví von của lãnh đạo một phòng GD-ĐT, chúng ta đang mãi loay hoay co kéo một tấm chăn quá chật, dẫu xoa dịu được đầu này cũng sẽ để hở đầu kia. Quan trọng là nâng cấp tấm chăn thế nào cho hiệu quả, chứ không phải trông chờ vào kết quả thí điểm ở 8 địa phương với vài trăm đứa trẻ. Bởi nếu chỉ trông chờ vào cách giải quyết cục bộ thì một, hai năm nữa, bài toán thiếu chỗ học vẫn hoàn thiếu.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục