Gần 3.000 xe buýt phục vụ vận chuyển hành khách đi lại trên 146 tuyến đã góp phần không nhỏ trong việc đi lại của người dân TPHCM. Tuy nhiên, hiện nay diện tích quỹ đất dành cho bến bãi xe buýt lại hết sức hạn chế. Trong khi đó, việc tìm kiếm quỹ đất xây dựng bến bãi chỉ mới thống nhất về chủ trương và chưa xác định được chính xác vị trí các bến bãi cụ thể.
Dùng lòng lề đường làm nơi đậu xe
Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) TPHCM cho biết, hiện nay hoạt động VTHKCC, nhất là xe buýt đang gặp khó khăn về bến bãi dừng, đậu xe. Ngoài các tuyến có đầu, cuối bến là các bến xe, đa số còn lại dùng lòng lề đường làm bến đậu xe tạm. Hiện nay, bến do các doanh nghiệp xe buýt quản lý gồm 6 bãi hậu cần với diện tích khoảng 8,2ha, gồm 4 bãi do Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn quản lý, 1 bãi của Công ty TNHH Ngôi sao vận tải Sài Gòn và 1 bãi do Hợp tác xã Vận tải 19 Tháng 5 quản lý.
Tại khu vực trước cổng Trung tâm Thương mại CMC nằm trên đường Lý Thường Kiệt, phường 8, quận Tân Bình; khu vực tuyến nối quốc lộ 13 với đường Đinh Bộ Lĩnh (phía dốc dưới chân cầu Bình Triệu 1 và 2), gần Bến xe miền Đông, phường 26, quận Bình Thạnh…, hàng ngày có rất nhiều xe buýt đậu xe chiếm hết lòng lề đường, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người đi bộ cũng như các phương tiện giao thông cá nhân.
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TPHCM, than vãn: “Hiện nay, số lượng đầu xe của doanh nghiệp lên đến cả ngàn chiếc nhưng không có bến bãi lưu đậu nên vào buổi tối phải đi thuê ở cây xăng, các bãi đất trống của quân đội, trung tâm triển lãm để đậu với giá gần cả triệu đồng/xe/tháng, rất tốn kém. Một số anh em tài xế có chỗ đậu ở các bến xe thì hết giờ làm việc phải trả tiền lưu đậu cho các bến xe và ngủ nghỉ lại trên xe, không về nhà để ngày hôm sau tiếp tục làm việc nên rất bất tiện”.
Không những thế, việc thiếu diện tích đất dành cho bến bãi xe buýt còn khiến hành khách ngán ngại và khó tiếp cận với xe buýt khi có nhu cầu đi lại. Theo các chuyên gia, lẽ ra tại khu vực Văn Thánh (quận Bình Thạnh) phải là điểm chuyển tiếp của xe buýt trước khi vào khu vực nội thành nhằm giảm bớt áp lực về giao thông của phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm. Như vậy, phương tiện cá nhân có thể lưu thông từ quận Thủ Đức, quận 2 và 9 về Văn Thánh và gửi xe lại đó rồi tiếp tục sử dụng xe buýt vào khu trung tâm. Tuy nhiên, nếu không bố trí được hệ thống bãi xe buýt và giữ xe cá nhân tại khu vực Văn Thánh thì đã hạn chế lượng hành khách sử dụng xe buýt để vào trung tâm TP.
Bến bãi... trên giấy
|
Được biết, trong năm 2010, Sở GTVT TPHCM và Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC TP đã làm việc với các quận, huyện về việc quy hoạch đất cho các bến bãi vận tải. Tuy nhiên, theo Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC TP, đây chỉ là bước thống nhất về chủ trương và các bên chưa xác định được vị trí các bến bãi cụ thể.
Ngoài ra, việc đầu tư các bến bãi còn phải có kinh phí nhất định và phải mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động vận tải, vì có khả năng vị trí đất mà các quận, huyện dành cho vận tải không phù hợp với việc xây dựng các trạm trung chuyển lớn để tạo liên kết và hỗ trợ phục vụ giữa các tuyến xe buýt với nhau. Đây là nguyên nhân phát sinh số lượng tuyến quá nhiều trên cùng một hành lang phục vụ, tăng hệ số tuyến và phân tán hành khách, giảm hiệu quả khai thác của tuyến và mạng lưới tuyến.
Từ những vấn đề trên, để giải bài toán về bến bãi cho xe buýt hoạt động, các quận, huyện cần chia sẻ và ưu tiên, dành diện tích đất phù hợp cũng như đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để ngành giao thông xây dựng bến bãi; Nhà nước cần có sự hỗ trợ về mặt kinh phí cũng như thực hiện việc kêu gọi xã hóa đầu tư để sớm triển khai xây dựng hệ thống bến bãi, đáp ứng nhu cầu lưu đậu của phương tiện.
Đình Lý