TPHCM xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch

Sáng 16-3, Thành ủy, HĐND và UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với các nhà đầu tư nước ngoài với chủ đề “Lắng nghe và đổi mới”. Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm chủ trì hội nghị. Ngoài ra còn có đại điện các sở, ban ngành TP và 200 nhà đầu tư nước ngoài, 11 hiệp hội DN nước ngoài tham dự.
TPHCM xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch

(SGGPO).- Sáng 16-3, Thành ủy, HĐND và UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với các nhà đầu tư nước ngoài với chủ đề “Lắng nghe và đổi mới”. Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm chủ trì hội nghị. Ngoài ra còn có đại điện các sở, ban ngành TP và 200 nhà đầu tư nước ngoài, 11 hiệp hội DN nước ngoài tham dự.

Trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và tháo gỡ, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng khuyến khích các doanh nghiệp phản ánh, đề xuất giải pháp góp phần cho sự phát triển của TPHCM. Bí thư Thành ủy TPHCM hứa thành phố sẽ tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa lãnh đạo thành phố, đại diện các ban ngành với các nhà đầu tư nước ngoài, hướng tới xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, minh bạch…

Cụ thể, TPHCM sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức; Rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian chi phí cho DN, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến môi trường đầu tư.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: CAO THĂNG

Luật phải ổn định

Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, ông Herb Cochran cho biết, các DN Hoa Kỳ đang có xu hướng đầu tư mạnh mẽ tại Việt Nam. Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 80 tỷ USD, hiện nay Việt Nam dẫn đầu các nước ASEAN trong việc xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài phản ứng trước Thông tư 23 sắp có hiệu lực vào 1-7-2016 cấm nhập khẩu máy móc và thiết bị đã qua sử dụng trên 10 năm. Theo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, Hải quan và Bộ Công thương phải sử dụng chiến lược quản lý rủi ro để kiểm soát chứ không thể cấm hết tất cả máy móc cũ nhập khẩu, nên đề nghị UBNDTP kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ bãi bỏ thông tư này.

Đồng quan điểm đó, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản, cho biết, có hơn 63% DN Nhật đã đầu tư tại Việt Nam muốn mở rộng đầu tư, nhưng đang phải xem xét lại. Các DN cho rằng, pháp luật Việt Nam chậm phát triển và hay thay đổi, chính là rủi ro lớn nhất của nhà đầu tư. Ngay quy định cấm nhập khẩu máy móc đã sử dụng trên 10 năm sắp có hiệu lực cũng thế, nó sẽ làm “vỡ kế hoạch” của những dự án sắp đầu tư. Về thủ tục hành chính, hiện nay các sở đã thành lập đường dây nóng, giúp các doanh nghiệp thuận tiện liên hệ khi gặp vướng mắc. Doanh nghiệp cũng hoan nghênh Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh vướng mắc.

Đại diện Hiệp hội Thượng mại Hoa Kỳ tại Việt Nam trình bày ý kiến. Ảnh: CAO THĂNG

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp DN Hàn Quốc, ông Han Dong Hee cho biết, hiện có 900 DN Hàn Quốc đang đầu tư tại TPHCM hoạt động rất hiệu quả. Trong  thời gian qua, TPHCM đã có nhiều ưu đãi, nhưng những ưu đãi này ngày một thu hẹp, tạo nên khó khăn cho DN. Ông Jay Prakash Shririam, đại diện Hiệp hội DN Ấn Độ kiến nghị các đối tượng, mặt hàng giảm thuế xuất nhập khẩu do Chính phủ quy định thì cơ quan Hải quan phải giải quyết. Ngoài ra, khi nhân viên vắng mặt thì phải bố trí người trực thay, không để DN phải đi lại nhiều lần. Luật thường xuyên thay đổi thì phải tuyên truyền rộng rãi để DN biết.

Đại diện Hiệp hội Thượng mại Ấn Độ tại Việt Nam trình bày kiến nghị. Ảnh: CAO THĂNG

Cần minh bạch và liêm chính từ 2 phía

Đại diện cho 800 DN Châu Âu, ông Võ Quang Huệ, đại diện Hiệp hội DN châu Âu (Euro Cham) hoan nghênh và đánh giá cao công tác đối thoại, tháo gỡ khó khăn của lãnh đạo thành phố với các DN, nhất là các DN FDI. Điều đó cho thấy TP sẵn sàng cải tiến, hỗ trợ DN trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ phát triển hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi tốc độ thực hiện chính sách phải nhanh hơn, tăng tính minh bạch cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch DN trong Khu công nghiệp phản ánh thực trạng thực hiện cơ chế chính sách thời gian qua có rất nhiều luật mới, nhưng những văn bản dưới luật lại đưa ra hàng loạt những ràng buộc mới, giấy phép con… gây khó khăn cho DN. Hải quan thực hiện một cửa liên thông nhưng một bộ hồ sơ nhập khẩu có 9 bộ ngành liên quan, muốn nhập khẩu thép DN phải xin quota, phải cắt thép đi kiểm định…; nhập khẩu hóa chất thì phải có giấy chứng nhận của Bộ Công thương, nhưng việc cấp giấy chứng nhận này chỉ phục vụ việc thống kê của Bộ lại thêm thủ tục cho DN. Về lĩnh vực thuế, vấn đề minh bạch và liêm chính phải được coi là tiêu chí trong DN và quản lý Nhà nước để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. DN mong muốn hiểu và thực hiện đúng, nhưng có quá nhiều thay đổi, chứ thống nhất thì cơ quan thuế phải hướng dẫn DN thực hiện cho đúng.

Trả lời các vướng mắc của DN, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục thuế TPHCM cho biết, liên quan đến kiến nghị thuế của DN Hoa Kỳ, DN này ở TP mở rộng nhà máy tại Cần Thơ, trên giấy chứng nhận đầu tư có ghi ưu đãi về thuế. Khi kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện không phù hợp với quy định, nên đang xin ý kiến của Bộ Tài chính và được trả lời việc ưu đãi phải phù hợp với quy định của Luật thuế.  Đồng thời Bộ Kế hoạch đầu tư cũng đã có trả lời với nội dung tương tự như Bộ Tài chính nhưng DN vẫn chưa đồng tình. Vậy cơ quan thuế phải làm việc với lãnh đạo tỉnh Cần Thơ để xác định  rõ việc này thuộc trách nhiệm của đơn vị nào, cần khắc phục, chứ không thể bắt DN phải chịu.

Về các vấn đề bức xúc của DN, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chỉ đạo Cục thuế, Cục Hải quan phải giải quyết ngay, chỉ những vấn đề vượt thẩm quyền mới kiến nghị. Vướng đâu gỡ đó, không để doanh nghiệp phải chờ. Với những đóng góp của DN, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TP sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh để các nhà đầu tư hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ đạo, từ nay các sở ngành khi trả lời các vấn đề của doanh nghiệp, phải trả lời cụ thể, không trả lời chung chung, cái nào chưa rõ thì mời DN lên để trao đổi, giải quyết. Về thủ tục hành chính, bỏ ngay các thủ tục rườm rà, cản trở hoạt động của DN.

Kết thúc hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định, điều quan trọng của buổi gặp mặt này là để khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với TPHCM và cũng là khẳng định niềm tin của lãnh đạo TP đối với DN. Trân trọng đóng góp của các DN trong việc xây dựng phát triển, TP khẳng định sẽ luôn tạo điều kiện tốt nhất để các DN đầu tư kinh doanh trong môi trường tốt nhất. Để đáp ứng được TPHCM phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc đồng hành với DN. Để xây dựng chính quyền minh bạch liêm chính, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng mong các DN cũng minh bạch liêm chính để cùng đồng hành phát triển.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục