Tình trạng lấn chiếm vỉa hè đã trở thành một tệ nạn. Tiếp sau bài “Lấn chiếm vỉa hè – Lẽ nào bất lực?” đăng ngày 12-10 trên trang Nhịp cầu bạn đọc, Báo SGGP tiếp tục nhận được những phản ánh bức xúc của người dân. Câu hỏi bao giờ lề thông hè thoáng, bao giờ người đi bộ có thể rảo bước thong dong trên những vỉa hè đang còn chờ lời đáp từ các cấp chính quyền.
Trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 1 trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, TPHCM, biển báo cấm mua bán và đậu xe được treo nhiều chỗ nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra. Vỉa hè bị chiếm làm bãi giữ xe, bán đồ chơi trẻ em (ảnh), cả trạm xe buýt nơi đây cũng bị những người bán hàng rong chiếm hết, đẩy người chờ xe ra lề.
Thế Chương
Tôi rất đồng tình với vấn đề nêu trong bài báo đăng ngày 12-10 của Báo SGGP. Đúng là ở đâu cũng xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, “xẻ thịt” vỉa hè một cách không thương tiếc. Thành phố đang hướng tới mục tiêu thực hiện nếp sống văn minh đô thị và phát triển đô thị theo hướng hiện đại. Vì thế không thể để cho căn bệnh kinh niên lấn chiếm vỉa hè tồn tại. UBND TPHCM phải chỉ đạo và giao trách nhiệm quản lý địa bàn, xử phạt thật nặng những trường hợp lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh trục lợi làm xấu hình ảnh phố phường và người dân không có chỗ để đi bộ. Cần làm rõ vai trò trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương.
Để vỉa hè thông thoáng, cần có giải pháp quản lý đông bộ và xử phạt thật nghiêm những trường hợp vi phạm. Một khi chính quyền cơ sở - cấp phường, quận còn dung túng cho hành vi vi phạm pháp luật thì vỉa hè vẫn mang nặng nỗi đau bị “xẻ thịt”…
Nguyễn Ánh Thùy
Vỉa hè đường Âu Cơ và nhiều vỉa hè khác ở quận Tân Bình và quận 11 đang bị chiếm dụng nghiêm trọng. Riêng đường Âu Cơ (đoạn từ chợ Trần Văn Quang cũ, phường 10, quận Tân Bình) đến vòng xoay Âu Cơ - Lê Đại Hành - Nguyễn Thị Nhỏ dài chưa đến 2km, vỉa hè hai bên đường nhiều nơi bị lấn chiếm bán hàng như cổng chợ Tân Phước, dãy nhà số 92, 94, 96... bán heo quay (phường 9 Tân Bình). Các ngày lễ cúng bái nhân viên các cửa hàng này thường chạy xô ra mặt đường đông đúc người xe qua lại để mời chào, giành giật khách hàng, thậm chí lôi kéo khách hàng vào quầy bán hàng của mình. Cách bán hàng như vậy vừa thiếu văn minh, không đẹp mắt vừa gây mất trật tự, mỹ quan đường phố.
Một số nhà xây dựng lấn ra gần hết vỉa hè nay lại bày hàng hóa ra bán không còn lối đi lại. Chợ Trần Văn Quang đã được chuyển vào sâu trung tâm phường 10, nhưng “dấu vết” chợ Trần Văn Quang cũ vẫn còn hoạt động ì xèo, bày tràn lan gạo, hoa tươi, tủ kiếng bán vé số trên vỉa hè, người đi bộ không có lối đi. Nghiêm trọng hơn, vỉa hè đường Âu Cơ (phía phường 5 và 14 quận 11) sát tường Công ty Dệt Đông Á, số 185-189, từ đầu năm 2001 đến nay xuất hiện các điểm bán nón, áo lưới bọc xe gắn máy chiếm hết vỉa hè, hàng còn tràn xuống cả lòng đường như thách thức dư luận và luật pháp, khiến người đi bộ rất bất bình, phải đi bộ dưới lòng đường, nơm nớp lo tai nạn giao thông (ảnh).
Chiếm dụng lòng lề đường xưa nay vẫn là căn bệnh trầm kha, khi người này lấn chiếm được mà không ai cản ngăn thì người khác làm theo ngay, nguy cơ lộn xộn mất trật tự trên đường phố đang đến gần. Rất cần cơ quan chức năng sớm vào cuộc dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, trả lại đường cho người đi bộ.
Lâm Thao