Trả nợ thiên nhiên

Công bố mới nhất từ tổ chức phi chính phủ của Mỹ có tên Global Footprint Network và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cách đây ít ngày cho thấy, nhân loại đang “vay nợ” từ quỹ thiên nhiên. Do vậy, bài toán cho việc trả nợ thiên nhiên đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Nạn chặt phá rừng gây tình trạng lũ quét ngày càng hung dữ. Ảnh: Dọn dẹp đổ nát sau lũ ống, tìm các nạn nhân mất tích ở Mù Cang Chải
Nạn chặt phá rừng gây tình trạng lũ quét ngày càng hung dữ. Ảnh: Dọn dẹp đổ nát sau lũ ống, tìm các nạn nhân mất tích ở Mù Cang Chải
Mặc dù đây chỉ là những tính toán tương đối, chưa phải kết quả tham chiếu chính xác nhưng rõ ràng, lời cảnh báo này cần được nhân loại nghiêm túc xem xét trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đang xảy ra khốc liệt. Những tính toán này cũng chỉ ra rằng, cư dân Trái đất đang “ăn” cực nhanh vào tài nguyên “mẹ” sẵn có. Bằng chứng là mỗi năm loài người tiêu thụ một lượng tài nguyên gấp 1,7 lần khả năng đáp ứng của Trái đất. Chính vì vậy, mọi người chắc hẳn cũng không lấy làm lạ khi nhiều đợt mưa bão lớn, dồn dập liên tiếp diễn ra gần đây ở nước ta cũng như trên thế giới. 
Để vạch ra kế hoạch trả nợ “mẹ” thiên nhiên, phục hồi nguồn tài nguyên Trái đất, từng quốc gia đã có những chiến lược rất cụ thể của riêng mình và Việt Nam cũng đang tích cực thể hiện quan điểm cầu thị, tiến bộ vì sự phát triển chung của nhân loại. Trong đó, một số hoạt động được khuyến khích triển khai như trồng cây gây rừng, phát triển du lịch xanh theo hướng thân thiện với môi trường, xây dựng chương trình học tập gắn với bảo vệ thiên nhiên, sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường tại các công trình xây dựng… 
Tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), lãnh đạo địa phương đã phát động chiến dịch trồng cây trên núi đá nhằm tái hiện mảng xanh đã mất trước đây, cũng như để phục vụ việc khai thác du lịch. Tương tự, tại huyện Cần Giờ (TPHCM), khu dự trữ sinh quyển nổi tiếng của Việt Nam và thế giới này cũng thường xuyên đón các đoàn du khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu về du lịch sinh thái, trải nghiệm trồng rừng (đước, xú, vẹt các loại) ngập mặn. 
Một thống kê mới đây cho thấy, tần suất “vay nợ” thiên nhiên của nhân loại đã giãn ra trong vài năm gần đây, bằng chứng rõ nhất là tốc độ sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên đã chậm lại. Điều này được xem như tín hiệu vui cho các nhà khoa học, chuyên gia - những người đã và đang quan tâm đến yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan này có được duy trì trong thời gian dài, đủ sức xoay chuyển để tiến tới trả hẳn món “nợ” vay từ thiên nhiên hay không, thì đây vẫn còn là ẩn số. Bởi thực tế, biến đổi khí hậu toàn cầu chịu sự tác động chung của nhân loại; đặc biệt là tại những quốc gia có tần suất khai thác tài nguyên thiên nhiên dày đặc để phục vụ việc phát triển kinh tế đất nước. Tất nhiên, các thảm họa thiên nhiên sẽ “phân chia” kiểu đổ đồng, khiến nhân loại phải chịu chung, chứ không hẳn nước tàn phá thiên nhiên nhiều hơn sẽ chịu thảm họa lớn hơn. Do vậy, việc giải bài toán sử dụng hài hòa, phù hợp nguồn quỹ thiên nhiên là vấn đề phải cân nhắc kỹ cho mỗi quốc gia, dân tộc; tránh để gánh nặng “vay nợ” thiên nhiên của thế hệ đi trước bắt thế hệ đi sau phải trả. 

Tin cùng chuyên mục