Trận kinh điển hòa nhã và nỗi khổ tâm của Casillas

1
Trận kinh điển hòa nhã và nỗi khổ tâm của Casillas

1. Có lẽ trận đấu siêu kinh điển thứ 222 giữa Barcelona và Real Madrid cuối tuần qua là trận đụng độ ít “đụng độ” nhất kể từ khi huấn luyện viên Mourinho đặt chân đến sân Bernabeu.

Casillas - bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước.

Casillas - bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước.

Dĩ nhiên người viết bài này muốn nói đến những “đụng độ” ngoài chuyên môn. Lâu nay, mỗi khi trận Barca - Real sắp diễn ra, Mourinho bao giờ cũng đốt nóng trận đấu bằng cách khơi mào những cuộc khẩu chiến nảy lửa. Đả kích đối phương, nghi ngờ trọng tài, kích động cổ động viên là những thứ không thể thiếu trong quá trình chuẩn bị trận đấu của ông Mou. Một phần do ông là người thích gây gổ, thích những phát ngôn gây sốc, thích tạo xì-căng-đan nhưng một phần khác ông rất chú trọng đến chiến tranh tâm lý trong bóng đá. Có vẻ như ông tin rằng đó là cách gây áp lực lên huấn luyện viên và cầu thủ đối phương, kể cả tạo ra sự hoang mang cho trọng tài, tất cả nhằm đem lại lợi ích cho đội bóng của ông.

2. Cả khi trái bóng đã lăn trên sân, cách chỉ đạo của Mourinho cũng khiến cho những va chạm của đôi bên rất nhiều lần vượt ra khỏi những hình thức đối kháng thông thường - và dĩ nhiên hầu hết đều bắt nguồn từ đôi chân của đội Real-Mou. Khi xem các cầu thủ như Pepe, Alonso, Ramos “chặt chém” đối phương (Pepe từng được báo giới trao tặng biệt danh là “tên đồ tể”, “tên đốn củi”...), nhiều người tin rằng Mourinho không những dung túng cho những hành vi vượt ra ngoài khuôn khổ của luật lệ đó mà dường như ông còn khuyến khích lối chơi sặc mùi bạo lực đó. Bạo lực, với Mourinho trong trường hợp này, là một lời giải cho bài toán Barcelona. Khi Real không thể chơi đẹp hơn, hay hơn Barca, Mou tìm mọi cách để phá hỏng cái hay đẹp của đối phương. Muốn phá hỏng một cái gì đó trên đời - một rừng cây, một ngôi nhà, một con đường, một lối chơi - người ta buộc phải dùng bạo lực.

3. Từ Porto đến Chelsea, từ Inter Milan đến Real Madrid, cách huấn luyện của Mou là cách huấn luyện chiến binh. Các cầu thủ dưới tay ông tiếp cận một trận đấu giống như cách các chiến binh tiếp cận một trận đánh. Trong khi các huấn luyện viên khác coi sân cỏ là cầu trường, Mou lại coi đó là chiến trường và ông bơm quan niệm đó vào đầu các cầu thủ của mình. Đó là tư duy của một huấn luyện viên giàu khát vọng chinh phục. Như Napoleon của bóng đá, Mourinho coi chiến thắng là mục tiêu tối hậu của cuộc đời. Các đội bóng của Mou không phải không có khả năng để chơi đẹp, chơi cống hiến. Chelsea, Inter Milan, Real Madrid dưới tay Mou có không ít những trận thắng đẹp. Nhưng trước những đối thủ xương xẩu, Mou sẵn sàng hy sinh cái đẹp khi biết rằng mình không thể đẹp hơn đối phương. Lúc đó, Mou cần đến cái xấu xí, cần đến bạo lực. Lịch sử những trận kinh điển với Barca đã chỉ ra điều đó. Trước, trong và sau trận đấu với Barelona, Mou luôn càm ràm, phê phán, đổ lỗi, kích động. Đó là thứ gia vị không thể thiếu trong các trận kinh điển Tây Ban Nha - dưới triều đại Mourinho.

4. Nhưng lần này thì không. Tuyệt nhiên không! Điều gì đã xảy ra vậy? Lẽ ra, trận đụng độ Barcelona - Real Madrid vào ngày 8-10 vừa rồi phải là trận thư hùng “máu lửa” nhất. Trước khi trận đấu này diễn ra, đã có khoảng 1,5 triệu người dân xứ Catalan đổ xuống đường để tham gia cuộc biểu tình đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Và lúc trận đấu chưa bắt đầu, gần 100 ngàn cổ động viên Barcelona đã xếp hình lá cờ xứ Catalan bao quanh khán đài như một biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc. Nhưng trái với dự đoán của nhiều quan sát viên, những diễn biến trên sân lại hòa nhã đến khó tin.

Tất nhiên không khí hòa bình này một phần đến từ tác động của các nhà lãnh đạo hai bên, đặc biệt là phía Barcelona, như lời phát biểu của HLV Vilanova trước trận đấu: “Trận này cũng giống như bao trận đấu khác, nó chỉ là bóng đá, là niềm tự hào của Barcelona lẫn Real Madrid. Nó là thể thao, nó không phải là chính trị. Đây chỉ là một trận bóng đá đơn thuần”. Nhưng nếu chỉ có thiện ý từ phía Barca không thôi, trận kinh điển cũng không thể diễn ra suôn sẻ, như xưa nay vẫn thế. Lần này, ngòi nổ chiến tranh không bùng cháy phần lớn do chỉ đạo của Mourinho. Không khiêu khích, không gây hấn, cũng không chỉ đạo học trò đá rắn, đá xấu, sân cỏ rạng sáng 8-10 tự nhiên trở thành một sàn diễn nghệ thuật đúng nghĩa, trên đó các siêu sao hai bên mặc sức thi triển tài nghệ để giành chiến thắng một cách mã thượng nhất.

5. Có phải Mourinho đã thay đổi tính tình, từ một con người ưa gây hấn trở thành một con người điềm tĩnh, hòa nhã? Tất nhiên không ai tin điều đó. Nhưng điều này thì rất đáng tin: Mourinho đã bắt đầu cảm nhận thực lực và lối chơi của Real Madrid đã dần ngang bằng với đối phương, các cầu thủ của ông tiếp cận trận kinh điển Tây Ban Nha không còn thái độ sợ sệt, tâm lý hoang mang, và ngay cả ông từ sau khi vô địch La Liga mùa trước đã không còn tự coi mình ở thế “kèo dưới” trước đội bóng xứ Catalan nữa. Khi không còn mặc cảm, không còn cảm thấy bị lép vế, Mou hiên ngang hơn, đàng hoàng hơn, không thèm cậy nhờ đến “lối đá xấu xí” và các trò tâm lý chiến nữa. Thái độ và cách hành xử của Mourinho trước, trong và sau trận đấu đã cho thấy điều đó. Nhưng nói như vậy không có nghĩa Mou đã trở thành một con người khác.

Không bao giờ có điều đó, nếu chúng ta nhớ lại thủ quân Casillas suýt bị Mourinho tước băng đội trưởng chỉ vì anh chủ động làm hòa với thủ quân Xavi bên phía Barcelona sau một trận kinh điển đầy đô xát vào tháng 6 năm ngoái. Ngay ở trận Barca- Real vừa rồi, Mourinho cũng tỏ ra không hài lòng khi Casillas bắt tay thủ môn Valdes và sau đó cùng các cầu thủ Barcelona đi vào đường hầm. Với Mourinho, không “gây chiến” với Barca như trận vừa rồi, chỉ vì ông tin trình độ của Real hiện nay có thể chơi sòng phẳng với đối phương mà không cần đến tiểu xảo chứ không phải ông bắt đầu coi thầy trò Vilanova là... bạn bè.

Với quan điểm huấn luyện của Mourinho, mọi sân cỏ là chiến trường, mọi trận đấu là trận đánh, mọi đối thủ là... kẻ thù. Casillas giảng hòa với “kẻ thù”, đi chung với “kẻ thù” là làm nhụt nhuệ khí của chiến binh Real, là không quán triệt được tinh thần chỉ đạo của Mou. Trong khi đó, Casillas lại coi bóng đá là một môn thể thao thuần túy và những Xavi, Iniesta, Fabregas bên phía Tây Ban Nha là đồng đội của anh trong đội tuyển Tây Ban Nha mà anh là đội trưởng. Casillas chỉ muốn đem lại bầu không khí tốt lành nhất đội tuyển, trong khi Mourinho không ngừng gieo rắc sự thù hằn giữa các cầu thủ Barca và Real. Mà Casillas cũng là đội trưởng của Real. Đó quả là nỗi khổ tâm của Casillas!

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục