Trận quyết đấu cuối cùng

Trận quyết đấu cuối cùng

Sáng 20-10 (giờ Việt Nam) cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ diễn ra tại Đại học Nevada ở TP Las Vegas. Trước trận quyết đấu cuối cùng, xuất hiện hàng loạt thông tin có lợi dành cho bà Clinton, trong khi ông Trump nhận đòn phản pháo từ Tổng thống Mỹ Barack Obama về cách hành xử mà ông chủ Nhà trắng gọi là “một sự sai lệch của lịch sử dân chủ Mỹ”.

Lợi thế cho bà Clinton

Tờ Washington Post công bố kết quả thăm dò tại 15 bang mà cử tri còn do dự chưa quyết định bỏ phiếu ứng viên nào cho thấy bà Clinton đang chiếm ưu thế lớn, có thể dễ dàng giành được hơn 270 phiếu đại cử tri để trở thành Tổng thống Mỹ. Bà Clinton hiện chiếm ưu thế tại 9 bang và chỉ thua tại 2 bang (Nevada và Iowa). Trước đó, hầu hết các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc được công bố trong hai ngày 17 và 18-10 đều cho thấy bà Clinton tiếp tục chiếm ưu thế trước ông Trump với khoảng cách từ 1 - 11 điểm. Từ đầu tuần đến nay, bà Clinton đã bắt đầu mở rộng các cuộc vận động tranh cử sang những bang thường thiên về đảng Cộng hòa như Arizona để giành thêm phiếu bầu.

Đại học Nevada sẵn sàng cho cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa 2 ứng viên Tổng thống Mỹ

Chưa hết, các phương tiện truyền thông Mỹ vừa đăng tải bức thư ngỏ của 70 nhà khoa học Mỹ thuộc các lĩnh vực khác nhau từng đoạt giải Nobel, trong đó bày tỏ ủng hộ bà Clinton trở thành Tổng thống Mỹ. Bức thư này có đoạn viết: “Để bảo vệ quyền tự do của chúng tôi (giới khoa học), bảo vệ hình thức quản lý nhà nước theo hiến pháp, bảo vệ nền an ninh quốc gia cũng như đảm bảo để tất cả người dân Mỹ có thể cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, điều quan trọng nhất đó là bà Hillary Clinton cần phải được bầu làm tổng thống tiếp theo của nước Mỹ”. Theo các tác giả của bức thư này, người đứng đầu nhà nước cần phải là một người có chính kiến ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu phát triển khoa học, phát triển công nghệ, cũng như sẵn sàng tiến hành cải cách trong các lĩnh vực nhập cư và giáo dục, nhằm củng cố và phát triển đội ngũ các nhà khoa học của nước Mỹ.

Ông Trump cáo buộc bầu cử gian lận

Tổng thống Mỹ Obama đã phản bác lại những cáo buộc của ông Trump về việc nhiều lần chỉ trích cuộc bầu cử năm 2016 đang bị gian lận. Tổng thống Obama khẳng định, hệ thống bầu cử Mỹ luôn được đảm bảo minh bạch khi các quan chức địa phương là người điều hành và giám sát các cuộc bầu cử. Những người này được các thống đốc bang của đảng Cộng hòa chỉ định và cũng chưa từng phát hiện trường hợp gian lận nào trong các cuộc bầu cử Mỹ. Ông Obama kêu gọi ông Trump ngừng than vãn và tập trung vào chiến dịch vận động tranh cử. Tổng thống Obama một lần nữa nhắc lại quan điểm ứng cử viên Trump không đủ phẩm chất để trở thành tổng thống, đồng thời mô tả cách hành xử của tỷ phú này là “một sự sai lệch của lịch sử dân chủ Mỹ”. Ông Obama nêu rõ: “Trong đời tôi hay trong lịch sử chính trị hiện đại, tôi chưa từng thấy bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào lại khiến cử tri mất niềm tin vào hệ thống bầu cử trước khi các cuộc bỏ phiếu diễn ra... Điều này thật vô trách nhiệm”.

Lời phản bác trên của Tổng thống Obama được đưa ra trong bối cảnh ứng viên của đảng Cộng hòa nhiều lần chỉ trích cuộc bầu cử là một vụ lừa đảo. Tỷ phú Trump còn tiếp tục bài tấn công báo chí đã tạo ra một hệ thống gian lận và đầu độc tâm trí của cử tri. Những tuyên bố cáo buộc bầu cử bị gian lận của ông Trump khiến ngay cả nhiều quan chức cấp cao trong đảng Cộng hòa phải lên tiếng phản đối. Trong khi đó, dư luận báo chí cho rằng, những cáo buộc này của ông Trump sẽ để lại hậu quả lâu dài cho nền chính trị Mỹ ngay cả khi ông Trump thất bại, khiến người dân mất lòng tin vào hệ thống bầu cử.

Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ Ủy ban tranh luận tổng thống cho biết, 6 nội dung sẽ có trong buổi tranh luận cuối cùng gồm: nợ công, di cư, kinh tế, tòa án tối cao, các điểm nóng trên thế giới và sức khỏe để trở thành tổng thống Mỹ.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục