Tại TPHCM, khi thực hiện Đề án 1-1133 về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo (KN-TC) ở xã, phường, không chỉ riêng người dân ở địa bàn dân cư, mà lực lượng công nhân cũng là đối tượng được đặc biệt quan tâm.
Giúp công nhân nâng cao năng lực vận dụng pháp luật
TPHCM có gần 1 triệu công nhân, trong đó có 280.000 công nhân đang làm việc ở 1.100 nhà máy, tập trung trong 3 khu chế xuất, 14 khu công nghiệp. Số còn lại làm việc tại nhà máy, xí nghiệp nhỏ ở các quận, huyện. Sau những giờ làm việc trong nhà máy, xí nghiệp, người công nhân trở về cuộc sống đời thường trong các khu nhà lưu trú dành cho công nhân tập trung hay các xóm trọ, xen lẫn với người dân ở các khu dân cư. Chính quyền TPHCM xác định việc giúp công nhân nâng cao năng lực vận dụng pháp luật, có ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về KN-TC là một nhiệm vụ cấp bách để lực lượng công nhân không chỉ đứng vững trong nhà máy, mà còn sống đoàn kết và có trách nhiệm trong cộng đồng. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho công nhân được thực hiện với nhiều phương pháp linh hoạt, đa dạng, phù hợp đối tượng.
Ở quận Gò Vấp, nơi có đông công nhân sống tập trung, một cuộc thi tìm hiểu về pháp luật đã được Công ty TNHH Sedo Vina tổ chức dành cho công nhân của công ty; có 10 đội, mỗi đội 3 công nhân dự thi. Nội dung thi xoay quanh những kiến thức về các luật lao động, công đoàn, khiếu nại... Với cách làm sinh động, cuốn hút, cuộc thi đã thu hút đông đảo công nhân dự khán, cổ vũ. Không chỉ tạo ra một sinh hoạt vui vẻ, cuộc thi này trang bị thêm kiến thức pháp luật cho công nhân một cách thấu đáo kỹ lưỡng, giúp công nhân biết sử dụng các quyền của mình theo đúng pháp luật. Cách tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hấp dẫn này cũng đã được tổ chức ở Công ty TNHH Giầy Huê Phong, nơi có cả ngàn công nhân đang làm việc.
Một tiết mục kịch tuyên truyền về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại đông người. Ảnh: VÂN KHANH
Đối với những công nhân sống ở các khu dân cư thì chính quyền các địa phương có cách khác để phổ biến pháp luật. Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), chia sẻ: “Địa phương không có khu công nghiệp, không có nhà xưởng lớn, nhưng lại có đông công nhân nhập cư sinh sống. Ở nhà máy, họ là công nhân, nhưng về nhà thì là công dân địa phương, nên khi thực hiện Đề án 1-1133 chính quyền phường không bỏ quên đối tượng này. Phương pháp tuyên truyền pháp luật cho đối tượng công nhân cũng linh hoạt hơn. Ở chỗ làm việc họ đã được trang bị kiến thức pháp luật về lao động, công đoàn…, còn ở địa phương, chúng tôi chú trọng trang bị kiến thức về Luật Tiếp công dân, Luật KN, Luật TC… Để đưa kiến thức pháp luật đến với công nhân, phường và khu phố phải tổ chức họp sinh hoạt vào buổi tối hoặc ngày cuối tuần”.
Phong trào nào, kết quả đó
Để đưa kiến thức pháp luật đến với công nhân, chính quyền TPHCM đã phối hợp chặt chẽ việc thực hiện Đề án 1-1133 với các chương trình, đề án khác, tạo ra cơ chế phối hợp tuyên truyền các quy định pháp luật một cách đồng bộ, hiệu quả, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật KN-TC trên địa bàn, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Nhìn chung, nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định về quyền và nghĩa vụ của người KN-TC; trình tự, thủ tục giải quyết KN-TC; thẩm quyền giải quyết KN-TC của các cơ quan quản lý nhà nước; trách nhiệm thi hành quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC đã có hiệu lực pháp luật.
Trong 3 năm qua, TPHCM đã xây dựng một đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và sử dụng lao động. Một lực lượng hùng hậu đã vào cuộc, cùng với chính quyền quận, huyện, phường, xã, còn có sự phối hợp hành động của các ngành thanh tra, tư pháp, lao động, Liên minh Hợp tác xã, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp... Hàng loạt chương trình, cách làm cụ thể đã được đồng loạt triển khai đến công nhân, người lao động ở nhà máy, xí nghiệp và khu dân cư. Liên đoàn Lao động đã tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng thông qua hệ thống công đoàn từ TP xuống cơ sở với nhiều hình thức, đa dạng, thu hút được nhiều công nhân, lao động tham gia. Chương trình còn được tổ chức trực tiếp đến các tổ công nhân tự quản khu nhà trọ, các khu lưu trú công nhân, các nhà trọ có đông công nhân sinh sống.
Theo đánh giá của ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp đã đạt được những mục tiêu đặt ra. Điều dễ nhận thấy là số vụ đình công của công nhân lao động trong mấy năm qua có chiều hướng giảm, trong năm 2013 có 94 vụ, năm 2014 là 87 vụ đến năm 2015 còn 81 vụ. Thực tế cho thấy, khi kiến thức pháp luật trong công nhân tăng lên cũng đồng nghĩa ý thức, trách nhiệm công nhân nâng cao.
Tuy vậy, vẫn còn những bất cập cần khắc phục. Ở một số nơi, việc tổ chức đưa kiến thức pháp luật đến với công nhân chưa có sự đổi mới mạnh mẽ về phương pháp; chưa có điều kiện tổ chức các hình thức tuyên truyền, phổ biến mới, đa dạng và sinh động như tổ chức hội thi, sân khấu hóa, mà chỉ chú trọng đến in ấn phát tài liệu, tờ rơi pháp luật. Cần tăng cường hiệu quả hơn nữa việc phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về KN-TC nói riêng giữa các ngành, các cấp. Phải tạo được mối quan hệ và sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền và các tổ chức đoàn thể cấp cơ sở trong công tác giải quyết KN-TC, để góp phần hạn chế KN-TC đông người, vượt cấp.
TRẦN YÊN