Nếu thiếu sự tự tin, tự lập, không biết cách giải quyết các vấn đề mà cuộc sống đặt ra thì giới trẻ khó có thể hòa nhập với thị trường lao động ở thế kỷ 21, đòi hỏi nhiều kỹ năng, sự sáng tạo lẫn hiệu suất làm việc cao. Vậy để trang bị hành trang cần thiết cho học sinh phổ thông, các trường học phải chủ động thiết kế, mở rộng chương trình giáo dục kỹ năng sống như thế nào?
Tạo sức “đề kháng”
Khi được tham gia trải nghiệm thực tế, khám phá môi trường thiên nhiên, hòa vào cuộc sống chung quanh, các học trò đều cảm thấy hứng thú, hiểu sâu, nhớ kỹ những kiến thức đã học. Không những thế, trải nghiệm những chuyến dã ngoại lên rừng, xuống biển, về nông thôn, vào nhà máy…, các em không chỉ hiểu biết thế giới sinh động, muôn màu muôn vẻ mà còn tích lũy kỹ năng sống, hoàn thiện nhân cách, lối sống lành mạnh.
Khi tham gia dự án “Học văn để sống”, nhiều học sinh Trường THPT Đinh Thiện Lý (TPHCM) bộc bạch rằng “trải nghiệm thực tế đã giúp các em hiểu cuộc sống, tích lũy được nhiều điều bổ ích để làm người, ứng xử nhân văn hơn”.
Tương tự, nhiều nhóm học sinh trung học khi đến thăm hỏi, tặng quà và tự tay chăm sóc các bạn nhỏ tật nguyền, bất hạnh ở các trung tâm bảo trợ xã hội, mái ấm, nhà mở đã thổn thức, bật khóc. Không chỉ cảm thương những số phận kém may mắn, các em tận mắt chứng kiến những góc khuất, mảng khuyết của cuộc đời. Từ đó, nhiều em nhận thấy mình may mắn, hạnh phúc hơn nhiều và học cách nhìn xuống, sẻ chia, đồng cảm với con người.
Học sinh trải nghiệm thực tế ở một viện dưỡng lão. Ảnh: KHÁNH BÌNH
Thầy Nguyễn Việt Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng, cho biết: “Học sinh luôn thích khám phá thế giới xung quanh, mở mang kiến thức nên những chuyến đi trải nghiệm, nhất là vào nhà máy, đến trang trại sẽ giúp các em hiểu về công việc của người công nhân, sự lam lũ, cực nhọc của nông dân…”. Theo nhiều giáo viên chủ nhiệm, sau những chuyến tham quan thực tế, tìm hiểu di tích lịch sử và học làm người này, học sinh không chỉ hào hứng mà biết nhìn lại bản thân, điều chỉnh những gì chưa hoàn hảo.
Như thế, thay vì giáo điều một chiều, bắt học sinh phải học những kiến thức khô khan, xơ cứng thiếu thực tiễn trong môn giáo dục công dân, giáo viên hãy thổi hồn vào những bài giảng hoặc thiết kế lại nội dung bài học sao cho dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Nhiều năm qua, hình ảnh của người thầy giản dị Trần Tuấn Anh (Trường THCS Bạch Đằng, quận 3) - giáo viên dạy môn Giáo dục công dân đã làm lay động bao trái tim học trò bằng những bài giảng mang hơi thở cuộc sống. Mỗi bài giảng, mỗi chủ đề mới của thầy đều thấm đẫm tính nhân văn và truyền tải thông điệp sống đẹp, biết sẻ chia, yêu thương người thân của mình. Và nói như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, để giúp học sinh biết sống đẹp, biết làm người đúng nghĩa thì rất cần đổi mới môn Giáo dục công dân và trường học cần nhiều người thầy giàu tâm huyết như thầy Trần Tuấn Anh.
Cần môi trường rèn luyện kỹ năng
Những năm gần đây, hưởng ứng chủ trương mở rộng chương trình giáo dục kỹ năng sống, nhiều trường học trong cả nước đã chú trọng đầu tư, lồng ghép các nội dung dạy kỹ năng sống trong hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa. Tùy theo điều kiện và tâm huyết của từng trường, học sinh được học theo dự án, được tạo sân chơi phong phú với những trải nghiệm bổ ích, lý thú. Bên cạnh đó, hoạt động sôi động của các câu lạc bộ, đội nhóm trong trường cũng nhóm lửa, trang bị thêm kỹ năng sinh hoạt nhóm, tập làm lãnh đạo của học sinh.
Tuy nhiên, nói như hiệu trưởng của một trường THCS ở TPHCM thì những hoạt động này vẫn còn chắp vá, chưa bài bản vì thiếu điều kiện về cơ sở vật chất lẫn con người. Nhiều khi nhà trường muốn tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, thực tế nhưng lại loay hoay với bài toán kinh phí nên đành gác lại. Bởi lẽ đi gần thì các em không thích, còn đi xa, đến những điểm mới có thiên nhiên hấp dẫn thì lại tốn tiền.
Còn về phía giáo viên, thầy cô nào tâm huyết, máu lửa muốn truyền đạt thêm kỹ năng sống cho học trò thì làm mới kiến thức, liên hệ thực tế, còn không thì làm đúng vai trò “thợ dạy”, nhồi nhét lý thuyết là chính. Đó là chưa kể, nhiều trường hô hào dạy kỹ năng sống cho học sinh nhưng làm theo kiểu phong trào, phô trương thành tích là chính. Cụ thể như việc dạy học sinh kiến thức về sinh sản ở tuổi vị thành niên, nhiều trường thuê chuyên gia y tế đến nói chuyện một buổi là xong, chẳng cần biết các em lĩnh hội được điều gì bổ ích để phòng tránh việc quan hệ tình dục bừa bãi hoặc có thai sớm. Như thế tác dụng đến đâu?
Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng mềm là một nội dung quan trọng trong mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh nhằm giúp các em chuẩn bị hành trang bước vào môi trường hội nhập, đa văn hóa. Nhưng để giới trẻ có được tấm giấy thông hành tự tin bước vào cuộc sống đầy cạnh tranh, đòi hỏi nhiều kỹ năng, sự sáng tạo linh hoạt thì ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các em phải được làm quen, thích ứng từ từ. Thay vì tập trung nhồi nhét kiến thức, chạy theo điểm số, thành tích, mỗi giáo viên, mỗi trường học hãy năng động, tạo nhiều kênh trang bị kỹ năng sống, thực hành cho người học. Hoạt động giáo dục kỹ năng sống rất quan trọng và nó xuyên suốt quá trình học tập của học sinh từ bậc tiểu học đến khi bước vào đời. Khi được phát huy vai trò chủ thể, khuyến khích bộc lộ tài năng, sở trường, các em sẽ năng động, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học và tạo thành những thói quen, hành vi sống tốt.
HÀ KHÁNH