(SGGPO).- Sáng nay, 26-9, tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ 2, nhiều nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách phân tích, cho ý kiến.
Là đại biểu đầu tiên phát biểu tại phiên họp, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận xét thẳng thắn: Nhiều bức xúc đặt ra từ năm 2003 liên quan đến tình trạng khiếu kiện về đất đai đến nay vẫn còn nguyên giá trị: khoảng 80% các vụ khiếu kiện có liên quan đến đất đai. Thăm dò ý kiến của người dân do các tổ chức quốc tế độc lập tiến hành cho thấy tham nhũng trong lĩnh vực đất đai luôn xếp ở nhóm đầu.
Theo bà Lê Thị Nga, các quy định về thu hồi đất trong dự thảo Luật vẫn còn nhiều bất cập cần bổ sung. Cụ thể, diện thu hồi đất bằng cơ chế hành chính vẫn còn quá rộng. Không hoàn toàn phản đối việc thu hồi đất cho một số dự án phát triển kinh tế, xã hội; nhưng bà Nga cho rằng khái niệm dự án phát triển kinh tế, xã hội là dễ bị lợi dụng, cần phải được cụ thể hóa ngay trong Luật (mà không giao cho Chính phủ quy định).
Bà Lê Thị Nga cho rằng, nhà đầu tư thường không thích cơ chế tự thỏa thuận với dân, vì cũng có trường hợp việc thỏa thuận kéo dài, ách tắc. Vậy thì cần có quy định với dự án đền bù giải phóng mặt bằng đã được sự đồng thuận của 70 – 80% số hộ có đất thì 20% còn lại cũng phải di dời.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhận định: Có ý kiến cho rằng Luật vẫn nghiêng về tạo thuận lợi cho nhà quản lý và nhà đầu tư mà “nhẹ” về đảm bảo quyền lợi của dân; phải giải tỏa được tâm lý này mới an dân và thông qua được đúng kỳ hạn. Khi được giải thích cặn kẽ, người dân sẵn sàng hiến hàng sào đất để làm đường, họ đâu có so đo tính toán.
Từ thực tế mở rộng sân bay Cát Bi ở địa phương, ông Vinh nhấn mạnh yêu cầu dứt khoát thu hồi đất sử dụng sai mục đích, kể cả đất đã được giao vì mục đích quốc phòng an ninh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau đó khẳng định, bất kể đất đã giao vì mục đích nào mà có sai phạm thì cũng phải xử lý đúng đắn theo pháp luật. Việc này Luật 2003 cũng đã có quy định rõ, vấn đề là việc triển khai thực hiện chưa nghiêm.
Cũng liên quan đến trường hợp đất bị thu hồi do quá trình sử dụng vi phạm pháp luật về đất đai, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) phản ánh về thực tế có rất nhiều dự án khu sinh thái, khu du lịch rộ lên một thời, đã được xây dựng dang dở, nay bị “đóng băng”. Thu hồi đất này có đền bù những tài sản trên đất đã xây dựng không? Không đền thì vi phạm quyền tài sản của nhà đầu tư, mà đền thì chi phí rất lớn, lấy ở đâu ra? – đại biểu Sinh hỏi.
Trong khi đó, ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) thắc mắc: Trường hợp nhà nước thu hồi đất mà người dân đang sử dụng tại khu vực có nguy cơ đe dọa bị tính mạng vì thiên tai, ô nhiễm thì cơ chế đền bù, hỗ trợ, tái định cư ra sao. Ông Hương cho rằng dự thảo luật đã có quy định, nhưng còn chưa bao quát hết các trường hợp trong thực tế.
Đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung điều khoản “Nghiêm cấm thu hồi đất ngoài các trường hợp quy định tại điều này (điều 62 của dự thảo – PV)” để tăng tính răn đe. Bên cạnh vấn đề thu hồi đất, ông Đương còn bày tỏ quan tâm đặc biệt đến quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch. Đại biểu Đỗ Văn Đương tâm tư: Đành là quy hoạch thì phải có thời gian thực hiện, nhưng thời gian có khi kéo dài hàng thập kỷ, có khi bằng cả một đời người; khiến cho người dân rất cơ cực. Tôi thấy Điều 49 của dự Luật đã thấp thoáng ý quy định về quyền của người dân nhưng chưa đủ rõ. Vừa qua TPHCM có sáng kiến xử lý vấn đề này, Ban soạn thảo nên nghiên cứu kinh nghiệm đó để đưa vào Luật.
Ghi nhận ý kiến đại biểu Đương, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần quan tâm đến cả hai mặt của vấn đề, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch, vừa ngăn chặn tình trạng cố tình trồng cây, xây nhà trên đất quy hoạch để trục lợi tiền đền bù...
ANH PHƯƠNG