Tranh luận về Hướng dẫn chấm môn Văn của Bộ Giáo dục-Đào tạo

Khoảng giữa tháng 6 công bố kết quả thi tốt nghiệp

* Khoảng 15-6: Các tỉnh công bố kết quả thi tốt nghiệp

(SGGPO).- Như đã đưa tin, đề Văn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2013 đã yêu cầu học sinh bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam (Nghệ An). Đề Văn đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận do bám sát cuộc sống, có tính nhân văn cao. Tuy nhiên, cách hướng dẫn chấm điểm câu này của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) lại gây tranh cãi.

Cụ thể, Bộ hướng dẫn chấm, nêu vấn đề nghị luận: Giới thiệu hiện tượng Nguyễn Văn Nam (0,5 điểm); Phân tích: Cảm phục trước hành động quên mình cứu người của Nguyễn Văn Nam. Đây là tấm gương sáng cho thanh niên cả nước học tập (0,5 điểm). Hành động này thể hiện tấm lòng nhân ái của một nhân cách đặc biệt; một phẩm chất đạo đức cao đẹp đã được tu dưỡng, học tập, rèn luyện từ môi trường giáo dục tốt của gia đình, nhà trường và truyền thống quê hương… (0,5 điểm). Bình luận: Việc làm của Nguyễn Văn Nam là một nghĩa cử cao đẹp, dũng cảm phi thường, song không phải là cá biệt. Hành động này còn giàu ý nghĩa tích cực trong bối cảnh cuộc sống hiện tại (0,5 điểm). Phê phán lối sống ích kỉ, vô cảm, đề cao ý thức nuôi dưỡng điều thiện và tính thiện (0,5 điểm). Liên hệ bản thân: học tập theo tấm gương Nguyễn Văn Nam,… (0,5 điểm).

Điều đáng chú ý, Bộ lưu ý các giám khảo, nếu thí sinh có những suy nghĩ, kiến giải riêng mà vẫn hợp lý thì vẫn được chấp nhận. Nếu thí sinh "có kỹ năng làm bài tốt nhưng chỉ đi sâu bàn luận vào một vài khía cạnh cơ bản thì vẫn đạt điểm tối đa" và “Không cho điểm những bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”. Hướng dẫn này đã gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng.

Nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm của Bộ GD-ĐT khi cho rằng, không cho điểm những bài viết có suy nghĩ tiêu cực là đúng. Bởi vệc giáo dục hướng con người tới những giá trị tốt đẹp của xã hội chứ không phải cổ súy cả những thứ xấu. Nếu nhận thấy tấm gương tốt hy sinh thân mình cứu người mà không rung động đó là vô cảm, và nếu thấy một bài thi có suy nghĩ vô cảm và lệch lạc mà cho điểm cao đó là dung dưỡng những tâm hồn vô cảm lệch lạc, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay đang ít nhiều có những cá nhân vô cảm. 

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều người lại cho rằng hướng dẫn chấm của Bộ là áp đặt, vì đã là đề mở thì nếu học sinh có suy nghĩ khác và có lý luận bảo vệ được ý kiến đó vẫn phải cho điểm. Nhiều khi những ý gọi là "tiêu cực" lại cảnh tỉnh được các bậc phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung về giáo dục kỹ năng sống và kỹ năng xử lý tình huống. Đó là chưa kể, đã cho học sinh tự do viết lên chính kiến thì nên chấp nhận việc có những chính kiến phản bác, như vậy có thể nắm bắt được suy nghĩ của đại bộ phận trẻ, qua đó có những định hướng giáo dục tốt hơn về sau này!

Đáng nói là hướng dẫn của Bộ GD-ĐT không nói rõ thế nào là  những suy nghĩ tiêu cực. Những học sinh quan niệm cứu người cần lượng sức mình liệu có phải là tiêu cực hay không? Vì thế, hướng dẫn này cũng đang gây băn khoăn cho nhiều giáo viên. Tổ trưởng bộ môn Văn Trường THPT Quỳnh Lưu 2, Nghệ An, cô Nguyễn Thị Hương cho biết: Chiều 6-6, tỉnh Nghệ An mới tiến hành họp các tổ chấm thi để phổ biến đáp án của Bộ. Chắc chắn câu này học sinh sẽ có nhiều kiến giải khác nhau, tôi cho rằng trừ những kiến giải đi quá xa chuẩn mực đạo đức chung thì giám khảo vẫn nên cho điểm các ý kiến phản biện hợp lý.

Đồng quan điểm, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh cho rằng: Hầu hết học sinh sẽ tôn vinh tấm gương xả thân cứu người. Tuy nhiên, cùng với sự tôn vinh, nếu học sinh mở rộng nêu quan điểm cứu người phải biết lượng sức mình, phải có kỹ năng tự bảo vệ mình thì cũng cần tôn trọng các em. Tôi tin là sẽ không mấy học sinh có suy nghĩ lệch lạc khi làm đề Văn này, nhưng tôi cho là Bộ phải có hướng dẫn cụ thể thế nào là suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực?”.

Tuy trước đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng đã khẳng định, chuẩn đạo đức còn tùy từng quan điểm của từng người, vì thế Bộ GD-ĐT cũng không áp đặt đối với học sinh. Tuy nhiên, với cách hướng dẫn chấm này thì dư luận vẫn thấy lo lắng.

Khoảng giữa tháng 6 công bố kết quả thi tốt nghiệp

Hôm nay, 6-6, nhiều địa phương bắt đầu tiến hành công tác chấm thi tốt nghiệp. Các tỉnh sẽ triển khai đáp án và giám khảo bắt đầu làm việc. Năm nay, các tỉnh tiếp tục tự chấm bài thi tỉnh mình (chấm chéo giữa các Hội đồng thi). Ghi nhận từ một số địa phương cho thấy, nét mới của chấm thi tốt nghiệp năm nay là ngoài chấm thi của giám khảo, chấm thanh tra, các tỉnh còn thành lập Hội đồng chấm kiểm tra (độc lập với cả bộ phận chấm thanh tra) để tiến hành chấm lại ngẫu nhiên các bài thi đã được chấm.

Theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cả nước huy động 23.691 cán bộ giáo viên làm công tác chấm thi, đều là cán bộ giáo viên có trình độ, có kinh nghiệm và có nhiều năm tham gia công tác giảng dạy. Ngoài lực lượng thanh tra của các địa phương trực tiếp giám sát quy trình chấm thi, trong đó có việc chấm kiểm tra ít nhất 5% số bài thi/môn, Bộ GD-ĐT sẽ cử các đoàn thanh tra chấm thi tới các địa phương. Nếu trong quá trình chấm thi phát hiện có dấu hiệu tiêu cực nảy sinh từ khâu coi thi sẽ truy ngược trở lại trách nhiệm của cán bộ coi thi, lãnh đạo hội đồng coi thi. Bộ GD-ĐT cũng sẽ có bốn đoàn thanh tra sẽ đi thanh tra 12 tỉnh, thành. Ngoài ra còn một số đoàn kiểm tra đột xuất các hội đồng chấm không báo trước.

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, chậm nhất là ngày 18-6, các tỉnh thành phải hoàn tất công việc chấm thi, ghép điểm và công bố cho thí sinh. Các tỉnh thành phía Nam dự kiến công bố kết quả vào ngày 16-6. Còn ở phía Bắc, nhiều tỉnh cho biết sẽ mất khoảng 1 tuần chấm thi, công bố kết quả vào khoảng 15-6. Là nơi có số thí sinh đông nhất cả nước (trên 76.000 thí sinh), Hà Nội phải huy động 1.528 cán bộ giáo viên chấm thi nhưng vẫn phấn đấu công bố kết quả tốt nghiệp tạm thời cho thí sinh vào khoảng 15-6.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục