(SGGPO).- Sáng nay, 15-4, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã khai mạc tại Hà Nội, diễn ra đến ngày 17-4.
Trong phiên họp đầu tiên, hội nghị đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý báo cáo về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật (sửa đổi).
Theo ông Phan Trung Lý, qua nghiên cứu ý kiến của các vị ĐBQH, nay đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh của Luật là điều chỉnh việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đổi tên là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh và thống nhất với tên gọi của dự án Luật, thống nhất với yêu cầu ban hành Luật hợp nhất giữa hai luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của trung ương và địa phương như được đề ra khi Quốc hội quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Phát biểu tại phiên họp, ĐB Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đồng ý với ý kiến của Ủy ban Pháp luật. Ông lý giải thêm: “Văn bản pháp luật gồm các loại khác nhau, việc điều chỉnh bằng luật về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành các loại văn bản pháp luật là cần thiết. Trong khi đó, mặc dù việc ban hành văn bản hành chính chưa được điều chỉnh bởi luật, nhưng trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội đã đưa dự án Luật Ban hành quyết định hành chính vào Chương trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10; còn việc ban hành văn bản về tố tụng tư pháp thì được điều chỉnh trong luật về tố tụng”. Vẫn theo ĐB, cũng không nên quy định chính quyền cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Với kinh nghiệm làm việc lâu năm trong ngành kiểm sát, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị giữ quy định thông tư liên tịch như một loại văn bản quy phạm pháp luật, vì nếu không thống nhất cách hiểu thì nhiều khi “không biết đường nào mà làm”. Ông Thuyền không đồng tình với việc thành lập Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật. “Đây là trách nhiệm của Bộ Tư pháp, chính xác là Ban soạn thảo, từng thành viên ban soạn thảo. Cần tránh việc đẩy trách nhiệm cho tập thể”.
Bên cạnh đó, ông Thuyền đề nghị trao trách nhiệm giải trình tiếp thu cho Ban soạn thảo, thay vì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) như hiện nay.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng “rất nhất trí là văn bản hướng dẫn phải được chuẩn bị song song, để luật ra thì thực hiện được ngay”, nhưng luật định việc trình văn bản đồng thời với luật, theo ông, là khó khả thi, nếu có thì cũng rất hình thức. Một minh chứng là quy định này đã từng có trong luật, do không thực hiện được nên trong Luật năm 2008 (hiện hành) đã được bỏ đi.
Để nâng cao chất lượng các dự thảo luật, ĐB Hồng đề nghị quy định “cơ quan thẩm tra có quyền từ chối thẩm tra nếu cơ quan soạn thảo không trình dự án đúng tiến độ”, không đảm bảo thời gian để thẩm tra.
Một vấn đề khác được nhiều ĐB tại hội nghị quan tâm cho ý kiến là thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp xã. Trong khi các ĐB Mã Điền Cư, Nguyễn Bá Thuyền đồng tình với đề nghị bỏ thẩm quyền này thì ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên – Huế) có ý kiến khác. “Không thể lấy lý do cấp xã hay sao chép hoặc ban hành văn bản trái với quy định của văn bản cấp trên mà bác quyền của họ được. Tới đây mọi cấp xã đều có HĐND. Một số quy định của cộng đồng dân cư đó để áp dụng thống nhất trong cộng đồng mà không trái quy định pháp luật là cần thiết”.
Còn nhiều ý kiến tranh luận về thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật ở cấp phường, xã. Trong ảnh: Tiếp dân tại Phường Đa Kao, Quận 1 TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
Đây cũng là quan điểm của ĐB Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM: “Chúng ta đang mong muốn phát huy dân chủ cơ sở. Lệ làng, nếu không trái phép vua, có giá trị rất lớn, tại sao lại bỏ đi”?
Trăn trở về những vấn đề có tính nguyên tắc của Luật này, ĐB Du Lịch cho biết, ông đã kiên trì phát biểu về vấn đề này từ nhiều năm nay, qua nhiều lần sửa luật. “Vấn đề cốt lõi mà dự thảo này chưa giải quyết được – trong khi lại dành đến hàng chục chương để nói các chuyện râu ria có thể quy định ở văn bản cấp thấp hơn – là phân biệt rõ lập pháp với lập quy. Cơ quan nào có thẩm quyền lập pháp, cơ quan nào lập quy, “quy” ở mức nào. Văn bản nào có giá trị pháp lý cao hơn? Nguyên tắc bất hồi tố, trừ một số trường hợp đặc biệt nào, cũng cần được luật hóa”, ĐB Trần Du Lịch thẳng thắn bình luận.
Trong số các vấn đề cụ thể, ông cho rằng, sẽ là bất hợp lý nếu quy định nghị quyết của Tòa án Nhân dân tối cao có giá trị thấp hơn thông tư. “Đó là hai loại hoàn toàn khác nhau. Ví von một chút, nó giống như sơn ca là sơn ca, bồ câu là bồ câu vậy, sao lại đi so sánh để nói bồ câu quan trọng hơn sơn ca”.
Ghi nhận những ý kiến đầy tâm huyết của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: “Đưa dự thảo này ra là UBTVQH muốn xin ý kiến các đồng chí chứ chưa “chốt”. Mong các đồng chí thảo luận thẳng thắn. Ngay trong Thường vụ cũng còn ý kiến phân vân giữa các phương án khác nhau”…
ANH PHƯƠNG