Nhiều bạn đọc nêu thắc mắc: Khi gửi xe tại các bãi giữ xe, nếu xảy ra mất xe thì trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức giữ xe như thế nào? Trường hợp khách vào các quán ăn, cửa hàng…, để xe máy bên ngoài cho nhân viên giữ xe nhưng không có phiếu giữ xe hoặc phiếu giữ xe không ghi cụ thể biển số xe, nếu bị mất thì khách hàng có đòi bồi thường được không?
Điều 559 Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS 2005) đã quy định: “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”. Ở đây, luật không quy định rõ về hình thức của hợp đồng gửi giữ tài sản. Theo khoản 1 Điều 401 BLDS 2005 thì “Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định”. Việc nhân viên quán ăn, cửa hàng nhận giữ xe và giao vé giữ xe có thể được hiểu là hành vi giao kết hợp đồng, hay nói cách khác hình thức của hợp đồng gửi giữ trong trường hợp này là thông qua hành vi cụ thể.
Ngay cả khi người gửi xe không nhận được phiếu giữ xe thì bên giữ xe vẫn có thể bị ràng buộc trách nhiệm. Theo đó, nếu một người gửi xe tại một nhà hàng, được nhân viên nhà hàng hướng dẫn rõ ràng nơi để xe và nơi này thuộc sự quản lý của nhà hàng, đồng thời nhà hàng không có bất kỳ sự khuyến cáo nào về việc khách hàng phải tự bảo quản trông giữ xe của mình và các khách hàng khác đến đây đều được hướng dẫn giống như vậy thì có thể coi giữa người gửi xe và nhà hàng đã tồn tại hợp đồng gửi giữ xe. Do đó, căn cứ theo khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2005, người gửi xe có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với chiếc xe đã mất.
Vấn đề đặt ra: Ai là người phải bồi thường? Nhân viên giữ xe hay chủ nhà hàng? Theo quy định của pháp luật, nếu nhân viên nhà hàng làm mất xe thì chủ nhà hàng phải bồi thường. Cụ thể Điều 622 Bộ luật Dân sự 2005 có quy định rất rõ: “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”. Như vậy, nhà hàng phải trực tiếp bồi thường cho khách, sau đó có quyền yêu cầu nhân viên giữ xe phải hoàn trả lại tiền. Quy định này giúp bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi xe, tạo điều kiện cho việc bồi thường được thực hiện nhanh chóng. Tuy nhiên, giả sử người làm mất xe là nhân viên bảo vệ do nhà hàng thuê, thì công ty bảo vệ hay nhà hàng phải bồi thường? Đây là một vấn đề gây nhiều tranh cãi và quan điểm xét xử của các tòa án có sự khác nhau. Tuy nhiên, sẽ hợp lý hơn nếu nhà hàng vẫn phải bồi thường. Bởi lẽ, khách đến nhà hàng không quan tâm ai là người giữ xe mà chỉ biết rằng xe của mình được gửi tại nhà hàng, thuộc khu vực giữ xe do nhà hàng quản lý. Họ mặc nhiên hiểu rằng người nhận giữ xe cho mình là người của nhà hàng, còn việc thuê ai trông giữ là việc riêng của nhà hàng. Do đó, nếu mất xe thì nhà hàng phải là người chịu trách nhiệm trước khách hàng, sau đó nhà hàng có quyền yêu cầu công ty bảo vệ hoàn trả. Vấn đề khó khăn là yêu cầu về mức bồi thường, vì khách hàng sẽ khó có cơ sở để chứng minh loại xe đã gửi, do không có gì xác nhận.
Tóm lại, để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi gửi xe. Khi đến những nơi không giao vé giữ xe hoặc vé xe chỉ có những thông tin chung chung, trước hết khách hàng cần xác định người giữ xe cho mình có phải nhân viên của quán hay không, để phòng trường hợp kẻ gian giả mạo. Đồng thời, chủ xe cần yêu cầu người giữ xe phải ghi ký hiệu lên xe để xác nhận, ví dụ như đánh số lên xe. Trường hợp xảy ra mất xe, khách hàng có quyền yêu cầu nhà hàng phải bồi thường cho mình. Nếu nhà hàng không bồi thường thì khách hàng có quyền kiện ra tòa án có thẩm quyền để buộc nhà hàng phải bồi thường giá trị chiếc xe bị mất.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng luật sư PHANS)