Tránh tạo áp lực căng thẳng cho thí sinh

Vẫn ít học sinh chọn thi môn Sử
Tránh tạo áp lực căng thẳng cho thí sinh

Trong giai đoạn nước rút - chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, các trường THPT trên địa bàn TPHCM đều tăng tốc ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh lớp 12. Nhưng làm thế nào để ôn tập hiệu quả và không tạo áp lực căng thẳng đối với thí sinh?

Tăng tốc ôn luyện

Với mong muốn học sinh tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ cao nhất và có phổ điểm sàn cao để đăng ký vào đại học (ĐH), các trường THPT đều có kế hoạch ôn tập kỹ lưỡng, chu đáo từ sau kỳ thi học kỳ 1 cho học sinh lớp 12. Ngoài chú trọng 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Anh văn, nhiều trường đã khảo sát, cho học sinh đăng ký môn thi tự chọn để có kế hoạch ôn tập phù hợp với nguyện vọng, năng lực học trò. Không những thế, nhiều trường còn chú trọng dạy học liên môn, theo chủ đề, tổ chức thuyết trình về các đề tài thời sự, xã hội để học sinh phát triển kỹ năng phân tích, tư duy phản biện... Trong các bài kiểm tra định kỳ, kiểm tra ôn tập, nhiều trường đã đưa tổ hợp các bài thi bám sát với cấu trúc đề thi năm trước và ấn định thời gian thi đối với các môn như quy định của Bộ GD-ĐT.

Kỹ và chu đáo hơn, nhiều trường THPT còn tổ chức cho học sinh thi thử để các em tập dượt thử thách, làm quen với độ phân hóa cao của đề thi. Cụ thể, Trường THPT Gia Định sẽ tổ chức 3 kỳ thi thử cho 1.000 học sinh lớp 12, trong đó đợt 1 đã tổ chức xong vào tháng 2, còn lại đợt 2 và 3 diễn ra giữa tháng 5 và 6. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Cúc, việc tổ chức thi thử sẽ giúp học sinh trường Gia Định thấy rõ sức học của mình để chọn khối thi, ngành học và trường ĐH phù hợp. Bên cạnh đó, nhìn vào kết quả thi thử của học sinh, giáo viên bộ môn sẽ điều chỉnh cách dạy phù hợp, hiệu quả hơn. Qua đợt thi thử đầu tiên, nhà trường sẽ cộng điểm thưởng cho học sinh có kết quả thi tốt và khen thưởng những em đạt tổng điểm cao như thủ khoa, á khoa với 28 đến 30 điểm. Riêng những học sinh có điểm môn thi bị liệt hoặc thấp dưới 3 thì nhà trường cũng có kế hoạch phụ đạo nhưng trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc.

Học sinh Trường THPT Gia Định tham gia kỳ thi thử được tổ chức mới đây

Tương tự, Trường THPT Thành Nhân sẽ tổ chức 4 đợt thi thử vào cuối tháng 4; Trường THPT Ngô Thời Nhiệm sẽ tổ chức vào tháng 5 để học sinh làm quen với cách tổ chức, cấu trúc đề thi, thời gian làm bài thi… Ở một số trường THPT ngoài công lập, nhất là những nơi có đầu vào tuyển sinh thấp thì ban giám hiệu tỏ ra lo lắng nhiều hơn. Để giúp học sinh củng cố kiến thức và cọ sát với cấu trúc đề thi, ngoài bắt học sinh ôn tập căng thẳng, luyện giải đề có độ khó nhiều hơn, nhà trường còn bắt học sinh làm bài kiểm tra, thi thử liên tục. Một số học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến (tư thục) cho biết áp lực học tập lẫn luyện thi ở trường này luôn căng thẳng. “Không chỉ ôn luyện từ đầu năm học, hàng ngày chúng em phải làm rất nhiều bài tập đối với các môn như Toán, Lý, Hóa, Anh văn… và làm quen với các dạng đề thi có độ khó, độ phân hóa cao. Giải bài tập quá nhiều và bị nhồi như luyện gà chọi nên chúng em cũng thấy mệt mỏi, căng thẳng ”, một học sinh lớp 12 bộc bạch như thế.

Vẫn ít học sinh chọn thi môn Sử

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Ngay sau khi kết thúc học kỳ 1 năm học 2015-2016, các trường THPT của TPHCM đã cho học sinh đăng ký chọn môn tự chọn và tổ chức ôn tập chu đáo. Khảo sát ban đầu cho thấy, số thí sinh chọn môn tự chọn là môn Lý, Hóa vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là môn Địa chiếm khoảng 30%. Riêng môn Lịch sử vẫn ít học sinh đăng ký”. Nhận định về thực tế nhiều trường THPT có tâm lý lo lắng, tăng tốc ôn tập, tổ chức thi thử, kiểm tra liên tục, ông Hiếu nói: “Theo tôi các trường không nên tổ chức kiểm tra, thi thử liên tục vì sẽ gây áp lực căng thẳng cho học sinh. Cụ thể, học sinh đạt điểm cao có thể chủ quan, còn học sinh điểm thấp lại có tâm lý hoang mang. Điều quan trọng là tổ chức ôn tập một cách khoa học, theo chủ đề để học sinh nắm vững kiến thức tổng quát, biết vận dụng linh hoạt những gì đã học vào thực tiễn, giải quyết vấn đề mà cuộc sống đặt ra…”.

Theo tinh thần không tạo thêm áp lực cho thí sinh, năm nay Sở GD-ĐT TPHCM không tổ chức kỳ thi thử vào giữa tháng 5 như năm trước. Với tinh thần đổi mới thi cử, bước sang năm thứ hai, kỳ thi THPT quốc gia 2016 đã dần ổn định về tâm lý đối với thí sinh lẫn giáo viên. “Tuy được nhà trường ôn luyện nhiều dạng đề bám sát đề thi năm ngoái, trong đó có nhiều câu hỏi mở, có độ phân hóa cao để thí sinh làm quen nhưng nhiều học sinh thiếu tự tin, tốn thời gian học thêm ở các điểm dạy thêm. Điều này gây mất sức, căng thẳng và học sinh không còn thời gian tự học, tự ôn luyện tại nhà…”, một hiệu trưởng lo ngại về tình trạng học thêm quá mức của nhiều học sinh trước kỳ thi. Về phía trường học, dù đã tăng tốc với kế hoạch ôn tập, thậm chí chạy nước rút để hoàn thành chương trình một số môn phụ nhưng vẫn tỏ ra “sốt ruột”, ngóng chờ Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa. Theo đó, nhà trường có cơ sở, hình dung chi tiết hơn về cấu trúc đề, các dạng câu hỏi nhằm định hướng ôn luyện sát với kiến thức hơn.

Chỉ còn 4 tháng nữa là đến ngày “vượt vũ môn”, rất cần các trường định hướng ôn tập, luyện thi phù hợp và khoa học để thí sinh tự tin, đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục